Lợi dụng nhu cầu đổi tiền mới, tiền lẻ của người dân cho dịp Tết Nguyên đán 2021, nhiều người làm dịch vụ đổi tiền tại TPHCM đã công khai trên các trang mạng xã hội mức phí đổi cao ngất ngưởng từ 10-15%.
Các nhóm chuyên đổi tiền mới, tiền lẻ trên mạng xã hội Facebook với hàng nghìn thành viên.
Phóng viên đã liên hệ với chủ Facebook Nguyễn Văn Toàn và được ông Toàn giới thiệu là đang ở quận 3, chuyên nhận đổi tiền trên mạng xã hội. Ông Toàn cam kết đổi 100% tiền thật, phí đổi dao động từ 10-15% và nếu khách đổi tiền số lượng lớn thì sẽ được chiết khấu 2%, không kể mệnh giá. Ông Toàn cũng liên tục khẳng định mức phí đổi hiện tại đang rất thấp, phần trăm chênh lệch sau khi đổi cho khách không được nhiều.
"Tiền mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng phí đổi 15%. Tôi để lời rất ít, đâu được nhiều đâu" - ông Toàn nói.
Dịp này, các "chợ" đổi tiền trên các trang web cũng hoạt động nhộn nhịp với hàng chục website đổi tiền chuyên nghiệp như doitienmoi.com, doitiengiare.vn… Các trang này cũng công khai niêm yết bảng giá với phí cạnh tranh, thấp hơn từ 2-8% so với dịch vụ đổi tiền trên mạng xã hội. Tham khảo một website chuyên đổi tiền mới có địa chỉ tại phường 12, quận Bình Thạnh thì phí đổi tiền "mềm" hơn so với trên mạng xã hội và dao động từ 2-10%.
Trong đó, tiền mệnh giá 100.000- 200.000 đồng phí đổi 4%, mệnh giá 500.000 đồng phí đổi 2%. Riêng tiền mệnh giá nhỏ 1.000 đồng, 2.000 đồng đổi theo hình thức 1000 tờ trả phí 50.000 đồng. Các website này cũng nhận đổi tiền nguyên tệp, nguyên seri với mức phí 10%.
Hình ảnh quảng cáo tiền mới, tiền lẻ đổi cho khách từ một chủ đầu mối đổi tiền tại quận Bình Thạnh.
Đang có nhu cầu đổi tiền mới để lì xì trong dịp tết Nguyên đán nhưng ông Lê Xuân Nam ở quận 7 cũng lắc đầu với dịch vụ này bởi mức phí gần 11%. Ông Nam cũng bày tỏ nghi ngờ, liệu số tiền mới ông nhận về có được đảm bảo 100% là tiền thật.
"Tết năm nào tôi cũng đổi tiền mà năm nay thấy phí cao quá. Đổi 3 triệu mà cầm về được 2,7 triệu đồng. Mà còn chưa biết có phải tiền thật không hay lại lừa đảo" - ông Nam nói.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, chênh lệch lợi nhuận cao và nhu cầu đột biến về tiền mới, tiền lẻ của người dân dịp cuối năm đang là nguyên nhân khiến hoạt động trao đổi, mua bán tiền mới hoạt động rầm rộ trên mạng. Tuy nhiên, các cá nhân có hành vi đổi tiền nhằm hưởng chênh lệch cao có thể bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng theo Nghị định 88 năm 2019 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Vị luật sư cũng đưa ra rất nhiều cảnh báo về tiền giả, lừa đảo… mà người dân có thể gặp khi đổi tiền tràn lan trên mạng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
"Đổi tiền xong chúng ta cũng không kiểm tra được hết bởi những đối tượng đổi tiền chỉ biết trên mạng, thậm chí không có tổ chức, trụ sở rõ ràng, do đó chứa nhiều rủi ro có thể đổi thiếu, tiền bất hợp. Khi đổi trúng tiền giả thì chúng ta còn gặp rủi ro khi phải chứng minh nguồn gốc tiền đó từ đâu mà có. Tôi nghĩ là không nên đổi tiền qua mạng" - luật sư Trần Minh Hùng nói.
Những năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo hạn chế in tiền mới, tiền mệnh giá nhỏ. Một số chủ đầu mối đổi tiền thì cho biết, lượng tiền mới này đã được đổi trước đó từ các ngân hàng. Tuy nhiên, những người có nhu cầu đổi tiền cũng cần phải thật cẩn thận khi giao dịch, tránh tình trạng "tiền mất tật mang".