Nhiều khách hàng Trung Quốc đang kêu gọi tẩy chay thương hiệu Dolce & Gabbana (D&G) sau khi thương hiệu thời trang Italy đăng tải những video quảng cáo bị cho là phân biệt chủng tộc. Làn sóng này lan rộng trên mạng xã hội khiến Dolce & Gabbana phải huỷ show diễn thời trang tại Thượng Hải chỉ vài giờ trước thời điểm dự kiến bắt đầu, theo Bloomberg.
Trong các video quảng cáo của Dolce & Gabbana, một người mẫu Trung Quốc đang vật lộn để ăn các món Ý như spaghetti hay bánh cannoli với một đôi đũa. Những video này ban đầu được đăng tải hồi đầu tuần trên mạng Weibo của Trung Quốc, sau đó được xoá đi do làn sóng phản đối lan rộng, dù vẫn xem được trên tài khoản Instagram của hãng tới ngày hôm qua (21/11).
Cư dân mạng Trung Quốc cho rằng video quảng cáo của D&G đậm chất kỳ thị như hình ảnh mang tính định kiến của người mẫu trong bộ đồ saquin màu đỏ. Trên nhạc nền truyền thống Trung Quốc, người dẫn chuyện hỏi người mẫu khi cô này đang vật lộn để ăn chiếc bánh cannoli: "Nó có quá to với cô?".
Những quảng cáo này là một phần trong chiến dịch quảng bá show diễn thời trang của D&G tại Thượng Hải - dự kiến tổ chức vào ngày 21/11, nhưng đã phải huỷ.
Sự việc ngày càng nghiêm trọng khi những hình ảnh chụp nội dung tin nhắn của tài khoản Instagram Gabbana được lan truyền mang nội dung kỳ thị người Trung Quốc. Tuy nhiên, đại diện D&G cho biết tài khoản Instagram của hãng đã bị tấn công.
"Ước mơ của chúng tôi là mang tới Thượng Hải một sự kiện đáng nhớ dành riêng cho Trung Quốc, nói về tầm nhìn và lịch sử của chúng tôi", người đồng sáng lập D&G Domenico Dolce nói trong một thông cáo. "Những gì xảy ra không chỉ không may cho chúng tôi mà còn cho tất cả những người đã làm việc ngày đêm để chuẩn bị cho sự kiện này".
Hôm qua, hàng loạt người nổi tiếng Trung Quốc đã tuyên bố rút khỏi sự kiện.
Trước làn sóng tẩy chay, D&G đã lâm vào khó khăn trong bối cảnh các thương hiệu xa xỉ toàn cầu ngày càng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc để tăng trưởng. Năm ngoái, người tiêu dùng Trung Quốc đã chi hơn 100 tỷ USD cho hàng xa xỉ, chiếm gần 1/3 tổng chi tiêu những mặt hàng này trên toàn cầu.
Vào tháng trước, nỗi lo nhu cầu hàng xa xỉ của Trung Quốc giảm do niềm tin người tiêu dùng suy yếu và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khiến giá cổ phiếu của nhiều thương hiệu xa xỉ lao dốc, thổi bay khoảng 160 tỷ USD vốn hoá.
Năm ngoái, chính D&G cũng buộc phải hạ các quảng cáo trực tuyến sau khi bị cư dân mạng nước này chỉ trích rằng khắc hoạ hình ảnh Trung Quốc kém phát triển.