Chị Hà (Thanh Trì – Hà Nội) chia sẻ, những ngày gần đây chị liên tục nhận được điện thoại từ các công ty tài chính chào mời vay tiêu dùng, mở thẻ tín dụng dù không hề có nhu cầu hay đăng ký thông tin tìm hiểu về các sản phẩm vay này ở đâu. “Có những ngày nhận tới 3-4 cuộc gọi, từ sáng đến tối, từ nhiều công ty khác nhau, thậm chí dù đã từ chối rất nhiều lần nhưng chỉ vài ngày sau lại nhận được lời chào mời từ cùng một công ty đó”. Những cuộc gọi đầu, chị Hà còn kiên nhẫn nghe nhân viên tư vấn giới thiệu sản phẩm, thấy không phù hợp thì từ chối, nhưng dần dần chị Hà cảm thấy bực bội với những cuộc gọi như vậy.
Tương tự, chị Linh (Bắc Giang) cũng cho biết, chị từng vay trả góp điện thoại qua công ty tài chính cách đây 6 năm và từ đó đến nay chưa dùng lại dịch vụ vay tín chấp lần nào. Thế nhưng trong thời gian gần đây, chị liên tục nhận được tin nhắn, cuộc gọi chào mời hỗ trợ tài chính không chỉ từ công ty tài chính này mà còn nhiều nơi khác với lãi suất hấp dẫn, theo lời nhân viên sale là chỉ 1,5-1,7%/tháng.
Trên thực tế, nhu cầu vay tiêu dùng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do nhiều người gặp khó khăn về tài chính bởi ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo thống kê, 8 tháng đầu năm 2021, gần 85.000 doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động, cao hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái và kéo theo đó 12,8 triệu người bị mất việc làm hoặc bị giảm thu nhập. Thu nhập giảm sút khiến nhiều người dân phải tìm đến các khoản vay tiêu dùng để giải quyết các khó khăn trước mắt.
Nắm bắt nhu cầu của người dân, thời gian gần đây, nhiều công ty tài chính cũng đã đẩy mạnh việc tiếp thị, tung ra các gói sản phẩm dựa theo tình hình dịch bệnh như giảm lãi suất, tạm hoãn thanh toán trong vòng 4 tháng sau khi giải ngân,…
Bên cạnh các công ty tài chính, nhiều app cho vay online cũng hoạt động mạnh, dồn dập gửi tin nhắn chào mời vay tiền qua SMS, mạng xã hội zalo,...thời gian gần đây. Với thủ tục cho vay đơn giản, nhanh gọn,…những app cho vay online này thu hút được không ít khách hàng cần vay số tiền nhỏ và ngay lập tức. Do cần gấp số tiền không quá lớn, thủ tục lại rất đơn giản nên nhiều người thường "tặc lưỡi" cho qua, dễ dàng cung cấp thông tin như số tài khoản ngân hàng, chứng minh nhân dân, danh bạc, hình ảnh,…mà không lường được hậu quả như lãi suất "cắt cổ" và phương thức đòi nợ xã hội đen.
Đứng trước những khó khăn kéo dài chưa có điểm do đại dịch Covid-19 gây ra, gần đây, Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng đã dự báo hình thức cho vay tiêu dùng ở Việt Nam có dấu hiệu sẽ trở thành xu hướng mới và phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của người dân trong và sau đại dịch. Để bảo vệ tối đa quyền lợi cho người tiêu dùng (NTD) cũng như lường trước những hậu quả không đáng có, Cục CT&BVNTD đưa ra một số lưu ý cho NTD liên quan đến hình thức cho vay tiêu dùng này.
Cụ thể, khi nhận được dự thảo hợp đồng do TCTD cung cấp, NTD cần đọc, tìm hiểu và nghiên cứu thật kỹ toàn bộ nội dung hợp đồng trước khi quyết định giao kết, trong đó cần lưu ý và cân nhắc kỹ một số nội dung có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Ví dụ: Thời hạn cho vay, thời hạn duy trì hạn mức; Lãi suất cho vay, thời điểm xác định lãi suất, phương pháp tính lãi; Các trường hợp áp dụng lãi phạt và cách tính; Các loại phí khác mà NTD phải trả (ngoài các khoản phí và lãi cố định); Theo quy định tại hợp đồng, NTD có được gia hạn nợ hay không? Gia hạn như thế nào? Cách tính lãi và các khoản phí liên quan trong trường hợp này... Quyền và nghĩa vụ của các bên có cân bằng hay không? Có điều khoản nào gây bất lợi cho khách hàng hay không? Chế tài xử lý vi phạm hợp đồng...
Về nghĩa vụ của các công ty tài chính đối với NTD liên quan đến hợp đồng cho vay tiêu dùng, theo Cục, phù hợp với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12, Thông tư 43/2016/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 18/2019/TT-NHNN) cũng quy định cụ thể về việc các công ty tài chính có nghĩa vụ phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký và phải giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cụ thể hợp đồng cho vay tiêu dùng khi có yêu cầu của khách hàng (Khoản 4 Điều 10).
Ngoài các vấn đề về hợp đồng đã lưu ý ở trên, để đảm bảo quyền lợi và an toàn cho chính mình và người thân, NTD cần chủ động tìm hiểu thật kỹ, có những hiểu biết nhất định về hình thức giao dịch mà mình sẽ tham gia trước khi quyết định ký kết hợp đồng; Cân nhắc kỹ, không nên đăng ký khoản vay quá khả năng chi trả của bản thân; Có kế hoạch rõ ràng trong việc cân đối chi tiêu để thanh toán các khoản vay theo kỳ hạn, nghiêm túc sử dụng số tiền đúng mục đích, trả đúng hạn theo quy định tại hợp đồng giữa các bên, nhằm tránh việc trả nợ quá hạn và các khoản lãi phát sinh hoặc mất khả năng thanh toán nợ.