Sau nhiều tháng thị trường đồn đoán về thương vụ sáp nhập giữa Tiki và Sendo, mới đây, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương cho biết đã nhận thông báo về việc này. Lãnh đạo Tiki lẫn Sendo đều chưa đưa ra bình luận hay phản hồi gì. Dù vậy, giới quan sát cho rằng việc sáp nhập có thể giúp 2 bên tận dụng lợi thế của nhau và tăng sức mạnh trong cuộc chiến với các sàn thương mại điện tử có thị phần lớn hơn.
M&A ở nhiều ngành
Cuối tháng 4, thị trường bất ngờ với thông tin Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI đã hoàn tất việc thâu tóm Công ty Thế Giới Kim Cương. Thương vụ này giúp 100 trung tâm, cửa hàng tại hầu hết các trung tâm thương mại, siêu thị như Big C, Vincom, Co.opmart cùng gần 1.000 cán bộ, nhân viên của Công ty Thế Giới Kim Cương thuộc về DOJI.
Giá trị thương vụ không được tiết lộ nhưng để thâu tóm được một đối thủ nặng ký đứng tốp 3 trong lĩnh vực bán lẻ vàng bạc trang sức của Việt Nam, số tiền mà Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI bỏ ra chắc chắn không hề nhỏ. Thương vụ này gây sự chú ý bởi DOJI tiếp quản Thế Giới Kim Cương đúng vào giai đoạn nền kinh tế có dấu hiệu chao đảo bởi ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và thị trường vàng bạc, trang sức cũng không ngoại lệ.
Mới đây, HĐQT Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) công bố sẽ hoàn tất thương vụ chuyển nhượng toàn bộ 49% cổ phần, tương ứng 1,813 triệu cổ phần (giá chuyển nhượng 48.400 đồng/cổ phần, giá trị tương ứng 87,75 tỉ đồng) tại Công ty CP Quản lý Kinh doanh Chợ nông sản Thủ Đức trong tháng 6 này. Theo đại diện HĐQT TDH, việc chuyển nhượng nhằm mục đích tập trung vào lĩnh vực chính của công ty là bất động sản (BĐS), nhà ở. Hơn nữa, Công ty CP Quản lý Kinh doanh Chợ nông sản Thủ Đức chủ yếu có nguồn thu từ dịch vụ, không có khả năng phát triển hay mở rộng thêm các lĩnh vực mà TDH có chuyên môn.
Cũng trong lĩnh vực BĐS, chủ đầu tư một dự án nghỉ dưỡng tại Bàu Trắng (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) với diện tích 100 ha phải bán dự án với giá 480 tỉ đồng vì không đủ khả năng tài chính để tiếp tục triển khai. "Chúng tôi không đủ tiềm lực để triển khai vì nhiều nguồn vốn dự định thu về từ các lĩnh vực khác đã bị đứng lại do dịch Covid-19. Giờ chúng tôi bán đi để tập trung cho lĩnh vực sản xuất bởi nếu vẫn theo dự án nghỉ dưỡng này, chúng tôi sẽ phải tốn thêm rất nhiều thời gian cũng như nguồn lực tài chính" - chủ đầu tư dự án chia sẻ.
Một số thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) khác trong năm nay cũng cần kể đến như: Công ty CP Dầu thực vật Tường An xin chủ trương sáp nhập công ty mẹ là Tập đoàn Kido, Công ty CP FLC Faros sáp nhập Công ty CP Đầu tư Khai khoáng - Quản lý tài sản FLC…
Thương vụ DOJI mua lại Thế Giới Kim Cương khiến thị trường bất ngờ. Ảnh: HOÀI DƯƠNG
Tận dụng giá tốt
Theo số liệu thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2020, các nhà đầu tư nước ngoài đã chi 2,99 tỉ USD để thực hiện các hoạt động góp vốn, mua cổ phần ở Việt Nam - chỉ bằng 39,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, số lượt góp vốn, mua cổ phần lại tăng 11,6%, chứng tỏ tuy không có thương vụ lớn nhưng số lượng dự án, công ty được nhà đầu tư "nhòm ngó" lại rất nhiều.
Về hiện tượng này, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhìn nhận cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cùng dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến sự dịch chuyển chuỗi sản xuất cũng như dòng đầu tư trên thế giới. Dưới tác động chung đó, doanh nghiệp (DN) Việt Nam không tránh khỏi khó khăn, không có khả năng tiếp tục hoạt động và đối mặt với những xáo trộn của thị trường nên sẽ tìm cách bán, thậm chí bán rẻ.
"Dòng vốn đổ vào M&A khá lớn tạo một làn sóng mạnh mẽ nhưng giá trị thương vụ có thể không được như kỳ vọng" - Chủ tịch VCCI nhận xét.
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho biết thời gian này, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài lẫn trong nước quan tâm mua lại dự án BĐS tại Việt Nam. Đặc biệt, nhiều tổ chức sẵn sàng vốn để đầu tư vào những dự án mà họ cho rằng "giá tốt". Tất nhiên, dù thị trường khó khăn, DN eo hẹp tài chính nhưng không chấp nhận hạ giá bằng mọi cách mà chỉ có thể đưa giá về mức hợp lý. Mặt khác, trong số các thương vụ Savills Việt Nam đang tham gia tư vấn với tổng giá trị tầm nửa tỉ USD, đa phần được bắt đầu từ cuối năm 2019. Khó khăn của thị trường cũng giúp các thương vụ được "chốt" nhanh hơn bởi DN rất cần tiền trong lúc này.
Ông Raymond Clement, Giám đốc điều hành Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, cũng cho rằng ngoài ngành bán lẻ, đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến sự linh hoạt của thị trường BĐS nghỉ dưỡng. Đó có thể là nguyên nhân của một số thương vụ bán và chuyển nhượng quy mô lớn.
"Nhiều khả năng Covid-19 thúc đẩy những thương vụ M&A BĐS nghỉ dưỡng nhanh hơn khi các bên mua bán sẵn sàng đàm phán về mức giá phù hợp hơn trước" - chuyên gia này dự báo.
Đánh giá làn sóng M&A hiện nay xuất phát từ nhu cầu thật bởi nhiều thương vụ đã khởi nguồn từ năm ngoái nhưng ông Phạm Duy Khương, Giám đốc điều hành Công ty Luật ASL Law, nhận định dịch Covid-19 là tác nhân tăng thêm khiến xu hướng này mạnh mẽ hơn. Ông Khương phân tích đại dịch làm các bên thiếu vốn, thiếu năng lực tài chính để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, dẫn đến nhu cầu thoái vốn, chuyển nhượng tăng theo và được triển khai gấp gáp hơn. DN trong nước không phải tất cả đều có sức bền tài chính, chủ yếu vốn mỏng, cần quay vòng nhanh; tìm đối tác mua lại dự án hoặc công ty cũng chính là cách tự gỡ khó cho mình.
Luật sư Phạm Duy Khương nêu thực tế: Thủ tục thành lập DN ở Việt Nam còn khá phiền phức nên thay vì phải thành lập công ty mới, một số nhà đầu tư sẽ chọn phương án mua lại để tiết giảm chi phí. "Khi hai bên cùng thấy có lợi, lại đúng thời điểm đại dịch khiến một bên muốn bán nhanh hơn, một bên muốn mua với chi phí rẻ hơn thì dễ tạo ra những thương vụ M&A thành công nhanh hơn" - ông Khương nhìn nhận.
Xu thế phát triển mới
GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, đánh giá M&A trong giai đoạn này là xu thế phát triển mới, cần cởi mở đón nhận. Theo ông, bất cứ hình thức bơm vốn nào trong bối cảnh năng lực tài chính của DN Việt Nam đang gặp khó đều rất cần thiết vào lúc này. Tuy nhiên, cũng cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, tránh nguy cơ tiếp nhận dòng vốn xấu hoặc bị thâu tóm các ngành quan trọng.