Tập đoàn của ông Đỗ Quang Hiển liên tục công bố các dự án tỷ USD, trong đó có những dự án liên quan tới DN trên sàn, thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Tuy nhiên, hầu hết các dự án này mới ở giai đoạn đầu.
Theo VNF, Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) đã có văn bản đề xuất tỉnh Hà Tĩnh xem xét, chấp thuận ký biên bản ghi nhớ giữa T&T với PV Power (POW) về việc hợp tác đầu tư dự án tổ hợp điện khí LNG Vũng Áng quy mô vốn 3,5 tỷ USD, với tổng công suất 3.000MW.
Đây là dự án lớn tiếp theo được Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển đề cập trong thời gian qua.
Trước đó, hồi đầu 2019, Tập đoàn T&T và đối tác Mỹ Công ty Gen X Energy đã có buổi làm việc với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về kế hoạch dự kiến đầu tư dự án Trung tâm nhiệt điện khí hóa lỏng LNG, bến chuyên dụng và kho khí hóa lỏng LNG - Cái Mép Hạ với tổng chi phí đầu tư gần 6 tỷ USD.
Dự án sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn gồm: giai đoạn 1 (dự kiến vận hành năm 2023), giai đoạn 2 (hoàn thành năm 2026) và giai đoạn 3 (hoàn thành năm 2030). Theo đó, tổng công suất hóa khí đạt 9 triệu tấn/năm; tổng công suất bể chứa LNG là 800.000m3; công suất phát điện tăng 6.000MW.
Hôm 10/6, T&T Group đã khánh thành Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh (Ninh Thuận) sau 4 tháng thi công với tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, cung cấp cho lưới điện quốc gia sản lượng điện khoảng 75 triệu kWh/năm. Đây là một dấu mốc ghi nhận việc Tập đoàn T&T Group tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Bầu Hiển dồn dập công bố các dự án tỷ USD nhưng hầu hết mới ở giai đoạn đầu. |
Tuy nhiên, hầu hết các dự án lớn khác vẫn ở giai đoạn đầu. Hiện T&T triển khai dự án điện khí LNG Cái Mép Hạ trị giá 6 tỷ USD tại Bà Rịa Vũng Tàu; dự án Trung tâm điện khí LNG tại Hải Lăng, Quảng Trị với trị giá 4,4 tỷ USD; nhà máy xử lý rác thải đốt rác phát điện sinh hoạt Xuân Sơn (Hà Nội) với công suất 1.000 tấn/ngày đêm...
Hồi đầu 2018, Bầu Hiển cũng đã chia sẻ về dự án đường sắt đô thị số 3 tại Hà Nội có tổng giá trị đầu tư khoảng 1,4 tỷ euro cho dù tập đoàn của ông chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. T&T tự bỏ kinh phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (đề xuất dự án) 3 trong số các đoạn tuyến đường sắt đô thị thành phố ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2025. Cuối tháng 3/2018, T&T đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Bouygues của Pháp về hợp tác đầu tư dự án đường sắt đô thị số 3 tại Hà Nội.
Theo kế hoạch, T&T đầu tư không sử dụng vốn vay ODA hay vốn ngân sách như tuyến Cát Linh - Hà Đông mà hoàn toàn vốn của tư nhân, trong đó chủ yếu là vốn của Bouygues - Pháp.
Cũng khoảng thời gian đầu 2018, Tập đoàn T&T cho biết sẽ bắt tay với ông lớn xây dựng Bouygues để xây mới sân vận động Hàng Đẫy với tổng giá trị 250 triệu Euro (tương đương khoảng 307 triệu USD), quy mô như sân bóng Ngoại hạng Anh. Đây cũng là đại bản doanh của Hà Nội FC.
Bản ghi nhớ hợp tác đầu tư xây dựng hai dự án lớn bắt tay với Bouygues (Pháp) được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 9/10, chỉ số VN-Index xoay quanh ngưỡng 920 điểm.
Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo thận trọng.
Theo BVSC, VN-Index dự kiến sẽ tiếp tục dao động trong vùng được giới hạn bởi ngưỡng hỗ trợ 895- 900 điểm và ngưỡng cản quanh 918-920 điểm trong những phiên tới. Trong thời gian tới, thị trường sẽ bị chi phối nhiều hơn bởi các thông tin kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết và diễn biến thị trường cũng sẽ có sự phân hóa mạnh theo từng nhóm cổ phiếu riêng lẻ. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhiều khả năng sẽ có diễn biến giằng co, phân hóa mạnh. Cơ hội đến với một số ít cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/10, VN-Index giảm 0,88 điểm xuống 918,84 điểm; HNX-Index giảm 0,52 điểm xuống 135,61 điểm. Upcom-Index giảm 0,42 điểm xuống 63,53 điểm. Thanh khoản đạt 9,2 nghìn tỷ đồng.
V. Hà