Cách đây 20 năm, Nhơn Trạch từng được kỳ vọng sẽ nhanh chóng phát triển thành siêu đô thị phía Đông của TP.HCM với tên gọi Thành phố mới Nhơn Trạch song không thành công, Nhơn Trạch giờ đây vẫn chưa thể chuyển mình để trở thành một đô thị đúng nghĩa.
Sau đợt "vỡ bong bóng" bất động sản giai đoạn 2009-2010, nhiều nhà đầu tư "tháo chạy" khỏi các dự án đã được giao trong khi hạ tầng còn ngổn ngang, quy hoạch trên giấy còn chưa ráo mực. Cùng số phận với những dự án "thành phố mới" tại Bình Dương, Long An..., Nhơn Trạch bao năm qua vẫn nằm ở dạng "đô thị tiềm năng", nhiều dự án khu dân cư vắng người, xuống cấp khiến nhiều người gọi nơi đây là "thành phố ma".
Trong khi đó, người dân nhiều vùng tại Nhơn Trạch sau nhiều năm sinh sống trong tình thế lỡ dở khi đất đai bị quy hoạch các dự án chưa thể gỡ bỏ, cũng chưa thể thực hiện - lại rất mong Nhơn Trạch có những thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ.
Nằm ở phía Đông của tỉnh Đồng Nai, huyện Nhơn Trạch được ví như chiếc cầu nối giữa hai trung tâm kinh tế lớn là TP.HCM với Bà Rịa – Vũng Tàu. Năm 1996, Nhơn Trạch được Chính phủ phê duyệt xây dựng là thành phố mới của Đồng Nai.
Nơi đây được kỳ vọng sẽ trở thành một đô thị sầm uất nhộn nhịp, góp phần tạo nên chuỗi đô thị phát triển năng động của vùng kinh tế phía Nam. Làn sóng đầu tư bất động sản đổ về đây ồ ạt. Thế nhưng, sau đó thị trường này gặp khó khăn và phát triển không như kỳ vọng. Hàng loạt dự án bị bỏ dang dở, nhà đầu tư tháo chạy.
Tổng công ty cổ phần đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp) vừa đề xuất đầu tư Dự án khu trung tâm thành phố mới Nhơn Trạch có tổng diện tích hơn 600 ha với tổng mức đầu tư khoảng 7.730 tỷ đồng.
Ở xã Phước An và xã Long Thọ của huyện Nhơn Trạch có hàng chục dự án bất động sản đã làm xong hạ tầng, điện nước nhưng chỉ để trồng keo tràm và cây khoai mì. Nguyên nhân là do giá đất quá cao và thiếu các công trình phụ trợ như chợ, trường học, bệnh viện, trung tâm vui chơi giải trí…nên người dân chưa thể về ở.
Điển hình, khu dân cư Phước An - Long Thọ của do Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) làm chủ đầu tư đã được phân lô, hoàn thiện về điện nước cũng chịu chung số phận bị bỏ hoang.
Còn khu đô thị Long Thọ nằm trên xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch triển khai từ năm 2005 với diện tích 224ha. Dự án này được triển khai hạ tầng sớm, hoành tráng nhất và từng được các nhà đầu tư đánh giá là miếng đất cực kỳ màu mỡ, nhưng 2 thập niên trôi qua, nơi này vẫn âm u, hoang lạnh lạ thường.
Trong đó, khu đô thị mới Phước An nằm ở xã Phước An, huyện Nhơn Trạch được quy hoạch và xây dựng với hơn 3.000 nền nhà và hàng ngàn căn hộ chung cư. Dự án này cách trung tâm hành chính mới của tỉnh Đồng Nai khoảng 15km, với tổng vốn đầu tư gần 7 tỷ USD.
Trong tình trạng "sốt ruột", tỉnh Đồng Nai thời gian qua đã chủ động làm việc với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM để đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông liên kết vùng. Cụ thể là tỉnh này đang xúc tiến, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm xây dựng 5 tuyến cao tốc kết nối với sân bay Long Thành, "thúc" tiến độ thực hiện quy hoạch lại toàn bộ huyện Nhơn Trạch.
Đặc biệt, mới đây tỉnh Đồng Nai cũng đã chủ động làm việc với các sở ngành của TP.HCM về việc muốn đứng ra xây dựng và trực tiếp mời gọi các nhà đầu tư tham gia phát triển dự án cầu Cát Lái 7.200 tỷ đồng nối huyện Nhơn Trạch với quận 2 của TP.HCM.
Bởi, theo quan điểm của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, chỉ cách trung tâm quận 1 của TP.HCM khoảng 20km, nhưng hàng loạt dự án bất động sản ở Nhơn Trạch đã trở thành khu đô thị "ma" gần 20 năm qua là điều rất khó hiểu.
Ngoài việc bị các công ty bất động sản đẩy giá cao ngất ngưởng, vượt quá giá trị thật, thì hạ tầng là nguyên nhân chính. Trong đó, dự án xây cầu Cát Lái nối khu vực này với quận 2 của TP.HCM trong thời gian tới sẽ là chìa khoá giải cứu bất động sản Nhơn Trạch, do vậy cần phải nhanh chóng triển khai.
Chính việc nhìn thấy được cơ hội to lớn cho sự phát triển thị trường trong giai đoạn tới, mà quan trọng nhất vẫn là siêu dự án sân bay quốc tế Long Thành, gần đây, tại khu đô thị Nhơn Trạch đã và đang đón nhận những dòng vốn lớn vào lĩnh vực BĐS. Điển hình như Đồng Nai tái khởi động những dự án khu đô thị, khu dịch vụ, khu nhà ở kiêm du lịch sinh thái… có vốn đầu tư hàng trăm triệu USD đang thu hút những tên tuổi lớn, như: Amata (Thái Lan), Vina Capital (Singapore), CFLD….
Mới đây nhất, một đại gia địa ốc lớn đến từ châu Á cũng đã thâu tóm dự án khu đô thị có quy mô rộng hơn 500ha tại Nhơn Trạch. Song song đó, các dự án như Swan City, Đông Sài Gòn, Nhơn Trạch City, Khu phức hợp Long Thanh Bay, dự án Khu đô thị chuyên gia Victory Long Thành, dự án Mega City rộng gần 90ha của địa ốc Kim Oanh… cũng đã tái khởi công.
Những dự án hạ tầng nổi bật như sân bay quốc tế Long Thành hay cầu Cát Lái đang dự kiến xây dựng hứa hẹn sẽ là động lực đánh thức tiềm năng bất động sản của thành phố mới Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Những thông tin tích cực từ hạ tầng đang thu hút một dòng nhà đầu tư mới đổ về Nhơn Trạch thời gian gần đây.
Đang gây nhiều chú ý là dự án Swan Park nằm ở cửa ngõ ra vào Nhơn Trạch. Trong năm 2017, Tập đoàn China Fortune Land Development (CFLD) của một đại gia đến từ Trung Quốc đã mua lại dự án Đông Sài Gòn và đổi tên thành Swan Park. CFLD hiện cũng đang sở hữu dự án Swan Bay cũng tại Nhơn Trạch. Tiền thân của dự án này chính là Đại Phước Lotus do VinaCapital quản lý và được CFLD mua lại.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, hạ tầng nội khu đô thị Nhơn Trạch đã được chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp đầu tư khá hoàn thiện, nhưng chỉ bấy nhiêu vẫn không đủ sức mạnh để kéo dân về sinh sống bởi có đường vào mà không có đường ra. Do vậy, nếu câu chuyện hàng loạt dự án giao thông lớn đã được quy hoạch vẫn còn bàn thảo kéo dài thì khu vực này vẫn như 20 năm trước.