Là một tỉnh có “tai tiếng” về hoạt động tín dụng đen, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Gia Lai cũng đang chìm ngập trong nợ nần.
Ông Nguyễn Dự - Giám đốc ngân hàng Agribank chi nhánh tỉnh Gia Lai cho biết tín dụng đen trên địa bàn hình thành từ thói quen, tập tục sinh hoạt của chính những đồng bào dân tộc thiểu số. Do cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, nên khi mua nhu yếu phẩm cho cuộc sống hàng ngày như đường sữa, mắm muối, bà con thường ghi nợ, hay khi cần tiền, có thể chỉ là một vài triệu, thậm chí dăm bảy trăm nghìn, họ vay tạm để chi tiêu. Số tiền có thể không lớn, nhưng nhiều lần dồn lại, cộng với cách tính “lãi khủng” của những đối tượng cho vay, nên lãi mẹ đẻ lãi con dẫn đến họ trở thành con nợ, đến mùa phải gán tất cả nông sản để trả nợ còn không đủ, nhiều hộ mất khả năng thanh toán, phải gán nhà, gán đất, dẫn đến ngày càng nghèo đói.
Agribank nỗ lực cho vay vốn, đẩy lùi tín dụng đen.
Một trong những nguyên nhân được cho là vì người dân không thể tiếp cận được vốn giá rẻ của ngân hàng, do việc vay vốn ngân hàng phải đảm bảo các điều kiện, thủ tục theo quy định, trong khi đó, bà con khi cần một lượng tiền ít và muốn có ngay nên thường dễ dàng chấp nhận vay bên ngoài. Trong báo cáo của mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)-Chi nhánh tỉnh Gia Lai, tình trạng tín dụng đen trên địa bàn tỉnh, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đánh giá là ngày càng diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, đa phần hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp và chưa có thói quen tích lũy. Một bộ phận vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Một số hộ tuy có đất sản xuất nhưng hiện đã cho thuê dài hạn hoặc bán đứt nên không có nhu cầu vay vốn ngân hàng...
Để góp phần hạn chế và đẩy lùi “tín dụng đen” ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, về phương diện quản lý nhà nước, ông Dự cho rằng chính quyền các cấp cần tăng cường rà soát, nắm tình hình, đẩy mạnh tuyên truyền để đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ tác hại của tín dụng đen; đồng thời, phối hợp với ngành Ngân hàng trong công tác triển khai các chương trình tín dụng chính sách.
Về phía cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, định hướng phát triển kinh tế theo lợi thế từng vùng nhằm giúp người dân sử dụng vốn hiệu quả; tăng cường vai trò của Chủ tịch UBND cấp xã, không để hộ nghèo, hộ cận nghèo nào thực sự cần vốn mà lại thiếu vốn.
“Với riêng ngân hàng Agribank, chúng tôi đang nỗ lực đưa vốn đến những buôn làng xa xôi nhất, bằng việc mở các phòng giao dịch hoặc xe cho vay lưu động. Nếu như trước đây, người dân cần vay vốn phải tìm đến ngân hàng, thì ngày nay, chính ngân hàng đang tìm đến từng người dân để mang vốn đến cho họ, giúp họ sản xuất kinh doanh để sớm thoát nghèo”, ông Dự cho biết.
Để tháo gỡ nút thắt từ chính sách cho vay vốn của ngân hàng, trong phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội mới đây, Thống NHNN Lê Minh Hưng nêu rõ bản chất của tín dụng đen là hoạt động cho vay dân sự, không qua các tổ chức tài chính tín dụng chính thức. Đối tượng đi vay thường là người có nhu cầu rất cấp bách về vốn để xử lý các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Có một số đối tượng có nhu cầu vay để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như đánh bạc, hoặc doanh nghiệp, người dân đến hạn trả nợ nhưng không có nguồn trả thì phải tìm đến tín dụng không chính thức.
Thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt việc xử lý những vấn đề bức xúc về tín dụng đen, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Chính phủ, NHNN đã có nhiều giải pháp, như đưa ra quy định lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực, trong đó, lãi suất cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở mức ưu đãi. Cùng với đó là các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn...
"Thông qua các kênh cho vay như Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), tổ chức tài chính vi mô, Quỹ Tín dụng nhân dân… đã phần nào giải quyết nhu cầu về tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế cũng còn một bộ phận doanh nghiệp và người dân có nhu cầu vay vốn gấp, trong khi các tổ chức tín dụng cần có thời gian để thẩm định và cho vay, thực hiện quy định về phòng ngừa rủi ro...", Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.
Trong phạm vi quản lý nhà nước của mình, đại diện NHNN cho biết cơ quan này đã có nhiều giải pháp; đó là, tạo điều kiện cho các ngân hàng như hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), các quỹ tín dụng mở các chi nhánh, cung ứng các dịch vụ thanh toán, tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng qua hình thức ngân hàng lưu động, áp dụng các công nghệ mới trong hoạt động để đáp ứng nhu cầu thanh toán và vay vốn của người dân; thực hiện tốt hơn nữa các chương trình tín dụng ưu đãi thông qua NHCSXH, các chương trình tín dụng đặc thù của Chính phủ để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn tốt hơn; chỉ đạo các tổ chức tín dụng giải quyết, đơn giản hóa các thủ tục cho vay, thanh toán để giúp người dân tiếp cận vốn dễ dàng hơn...