Sáng nay, lãnh đạo Bộ Công Thương đã trả lời phóng viên về tình hình triển khai các giải pháp gỡ khó cho hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam sang thị trường Châu Âu.
Chia sẻ với báo giới, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu với kim ngạch 43,7 tỷ USD, và nhập khẩu từ thị trường này 18,5 tỷ USD. 2 tháng đầu năm 2021, con số xuất khẩu là 7,5 tỷ USD, và nhập khẩu 3,1 tỷ USD, tương ứng với tốc độ tăng trưởng 18% và 12%. Châu Âu hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, và Hàn Quốc.
Thị trường Châu Âu vẫn là thị trường trọng điểm xuất khẩu của Việt Nam, do đó trong trường hợp việc giải phóng tàu Ever Given kéo dài, nếu các tàu đi vòng qua Mũi Hảo Vọng (Nam Phi) sẽ khiến hành trình từ Châu Á tới Châu Âu kéo dài thêm 2 tuần, làm chi phí gia tăng đáng kể.
Theo ông Trần Thanh Hải, sự cố kênh đào Suez cho thấy trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động về chính trị, xã hội, thiên tai, dịch bệnh... chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị ảnh hưởng, đứt gãy bất cứ lúc nào và ở bất kỳ đâu. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nâng cao khả năng thích ứng, chịu đựng trước những biến động khắc nghiệt của thị trường. Đa dạng hóa và lên phương án dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp để có thể giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất khi có tình huống bất lợi xảy ra.
Giá cước tàu biển "căng như dây đàn"
Trao đổi với người viết, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Tp.HCM (HUBA) cho biết chưa thấy các doanh nghiệp trong Hiệp hội phản ánh về ảnh hưởng từ sự cố tại kênh đào Suez, nhưng đa phần các doanh nghiệp đều phản ánh về phí container và phí vận chuyển đường biển tăng rất mạnh. Theo ông Dũng, phí logistic tăng cao do việc đối ứng container, tàu về cảng này không về cảng kia…làm chi phí vận chuyển cao hơn rất nhiều, thời gian thực hiện kéo dài, giá công cao. Hầu như doanh nghiệp xuất khẩu nào cũng gặp vấn đề này, từ các doanh nghiệp xuất khẩu lương thực thực phẩm, kết cấu thép…
Chủ tịch HUBA cho rằng ngành logistic toàn cầu phụ thuộc lớn vào các nhà cung cấp của Trung Quốc. Chúng ta phải phát triển ngành logistic trong nước như thế nào để đảm bảo chủ động được, điều này phải phát triển lâu dài. Kinh tế thị trường cung cầu sẽ điều tiết dần, rất khó để nói bao giờ phí logistic sẽ giảm lại, có nhiều cái bất khả kháng. Doanh nghiệp xuất khẩu thiệt hại, bản thân doanh nghiệp vận chuyển cũng kêu khó.
Ông Dũng chia sẻ, theo phản ánh chung từ các doanh nghiệp trong hiệp hội, tình hình các đơn hàng xuất khẩu đang phục hồi và có nhiều kỳ vọng tăng trưởng, còn lại tuỳ thuộc vào năng lực thực hiện của doanh nghiệp, điều này cần sự đồng hành của nhiều bên.
Ngày 26/3 mới đây, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam phản ánh các doanh nghiệp thuỷ sản đang gặp khó vì cước tàu biển.
Cụ thể theo Vasep, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho biết, giá cước tàu đi tuyến châu Âu vừa mới hạ nhiệt thì tuyến đi Mỹ lại rất căng thẳng. Hiện nay, chỗ trống cho hàng đông lạnh đi Mỹ của hầu hết các hãng tàu đều rất ít vì các hãng tàu ưu tiên cho hàng khô vì giá cước có lợi hơn.
Theo phản ánh của một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tại Cần Thơ, giá cước tàu cho tuyến đi Mỹ, doanh nghiệp thủy sản như "cá nằm trên thớt", đặt được chuyến là mừng cho dù chưa biết giá cước là bao nhiêu vì các hãng tàu báo giá rất trễ và hiệu lực chỉ từ 10 – 15 ngày.
Thậm chí, doanh nghiệp đã book được chỗ nhưng vì một lý do nào đó không thể xuất như lịch thì cũng mất hơn 1.500 USD/container.
Vasep cho biết, mới đây nhất, hãng tàu MSC thông báo, bắt đầu từ tháng 4/2021 sẽ cắt toàn bộ hàng đông lạnh đi Mỹ. Việc này sẽ làm tăng tải cho tuyến khác vốn đã quá tải trong nhiều tháng nay. Hơn nữa, rất nhiều hãng tàu không cho đặt chỗ trước, còn nếu chờ tới ngày xuất hàng mới đặt chuyến thì lại không còn chỗ để book.
Thực tế trên, theo Vasep, nếu chỉ nhìn vào giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ thì không nên vội mừng vì cấu thành trong giá xuất khẩu, cước tàu biển đã tăng và chiếm tỷ trọng không nhỏ trong đó. Do vậy, những khó khăn, gánh nặng từ cước tàu biển đang "đè" lên các doanh nghiệp thủy sản.
Trước đó, các doanh nghiệp thủy sản, nhựa và gỗ cho biết từ nhiều tháng qua phải trả giá thuê container rỗng tăng, từ mức ban đầu chưa tới 1.000 USD/container 40 feet lên tới 8.000 USD, thậm chí là 10.000 USD/container 40 feet đi thị trường Anh.
Thông tin mới nhất chúng tôi cập nhật được, sáng nay (29/03), tàu Ever Given đã chính thức được "giải cứu" nhờ nỗ lực của các đội cứu hộ. Nỗ lực giải cứu đạt được bước đột phá sau khi các thợ đào nạo vét 27.000 m2 cát và đào sâu vào bờ kênh.
Dù đã nổi trở lại và không còn mắc kẹt vào bờ cát, nhưng hiện vẫn chưa rõ tuyến đường hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới bao lâu nữa mới được khai thông. Hiện tại, có hơn 450 tàu đang bị mắc kẹt, chờ đợi hoặc có lộ trình đi đến Kênh đào Suez.