Đơn hàng dồi dào giúp doanh thu khởi sắc
Thị trường dệt may nửa đầu năm nay, nhìn chung đã khởi sắc trở lại khi xuất khẩu tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2020. Bộ Công Thương đánh giá, một số thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu tăng nhu cầu mua sắm quần áo, giày dép khi kinh tế bắt đầu hồi phục, các lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ nhờ đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19.
Nhớ lại thời điểm này năm ngoái, khi đợt dịch thứ 2 bùng phát, các doanh nghiệp dệt may trong tình trạng đối tác liên tục hoãn, hủy đơn hàng. Năm nay, hầu hết các doanh nghiệp đều có đơn hàng sản xuất tới hết năm.
Trên sàn niêm yết các doanh nghiệp dệt may công bố KQKD nửa đầu năm ấn tượng với doanh thu đều tăng trưởng so với cùng kỳ.
Theo đó về doanh thu đa phần các doanh nghiệp dệt may có mức tăng trưởng doanh thu 2 con số trong đó TNG và GIL có mức tăng trưởng doanh thu tốt nhất đạt 29 – 30%.
TNG cho biết ngay từ đầu năm công ty đã định hướng được việc tập trung vào khai thác, tăng tỷ trọng các khách hàng FOB chủ đạo cùng với việc khách hàng dịch chuyển đơn hàng từ các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sang Việt Nam. Trong cơ cấu doanh thu, hàng FOB tăng 73% so với cùng kỳ.
Trong khi đó GIL là một trong những công ty ở Việt Nam phục vụ được một trong những khách hàng khó tính trên thế giới như Amazon, Ikea… Công ty sẽ tiếp tục duy trì đơn hàng với các khách hàng lớn. Nhờ thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất bán trong kỳ mà GIL có mức doanh thu tăng trưởng cao trong nửa đầu năm nay.
Tiếp đó Sợi Thế Kỷ, Hanosimex và KMR cũng lần lượt có mức tăng trưởng doanh thu đạt 24%, 23% và 21%.
Ở chiều ngược lại May 10, May Nhà Bè và Dệt Phong Phú có mức doanh thu sụt giảm so với cùng kỳ trong đó May 10 đạt doanh thu thuần gần 1433 tỷ đồng, giảm 20% so với thực hiện trong nửa đầu năm trước.
Trước đó lo ngại thiếu hụt lao động, May Nhà Bè (MNB) đặt kế hoạch năm 2021 sụt giảm 2 con số. Công ty cho biết các đơn hàng giảm đột ngột, đặc biệt là chủng loại veston, sơ mi cao cấp vốn là sản phẩm chiến lược truyền thống mang lại giá trị cao cho May Nhà Bè, đều sụt giảm đáng kể. Để thích ứng với tình hình thực tế, doanh nghiệp này nói riêng buộc phải chuyển đổi sản xuất các chủng loại khẩu trang, sản phẩm bảo hộ y tế, quần áo thể thao,…
Lợi nhuận tăng trưởng tới 3 con số
Nhờ doanh thu khởi sắc và tiết kiệm chi phí mà hàng loạt doanh nghiệp dệt may có lợi nhuận tăng trưởng rất cao trong nửa đầu năm 2021. Trong đó có nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng gấp nhiều lần so với cùng kỳ như KMR sau khi chỉ lãi thấp trong nửa đầu năm ngoái năm nay có lãi 12,4 tỷ đồng cao gấp 62 lần cùng kỳ.
Đáng chú ý ông lớn Vinatex (VGT) sau khi gặp khó trong quý 1 thì sang quý 2 các đơn hàng phục hồi cả về số lượng lẫn giá bán đặc biệt khủng hoảng chính trị Myanmar cùng với làn sóng dịch dịch bệnh bùng phát tại Ấn Độ, Bangladesh đã khiến nhiều hãng thời trang trên thế giới dịch chuyển sản xuất qua Việt Nam, đơn hàng dồi dào giúp nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp. Kết quả VGT lãi sau thuế nửa đầu năm đạt 591 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với nửa đầu năm 2020, LNST thuộc về công ty mẹ là 292 tỷ đồng.
Tiếp đó là mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng của May Việt Tiến (VGG) đạt 70 tỷ đồng LNST tăng 117%, Sợi Thế Kỷ (STK) tăng 156% hay Hanosimex (HSM) tăng cao gấp hơn 3 lần cùng kỳ. EVE cũng chuyển từ lỗ snag có lãi 9 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021.
Ở chiều ngược lại cá biệt có trường hợp của May Nhà Bè (MNB), doanh nghiệp này không chỉ có mức doanh thu sụt giảm mạnh mà còn báo lỗ 31 tỷ đồng cao gấp 2 lần so với mức lỗ cùng kỳ. Doanh nghiệp này cho biết nguyên nhân thua lỗ là do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 tại Việt Nam và toàn thế giới, đặc biệt là tại Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á đồng thời cũng là thị trường xuất khẩu chủ lực của MNB và các công ty con, côn ty liên doanh liên kết.
Thách thức trong nửa cuối năm 2021
Với kết quả kinh doanh ấn tượng trong nửa đầu năm nay đã giúp các doanh nghiệp dệt may có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch năm 2021 ở mức cao trong đó có Gillimex (GIL) đã vượt kế hoạch đề ra cho cả năm, Vinatex và Dệt Phong Phú có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lần lượt là 84% và 95%.
Thời điểm này, mặc dù nhiều doanh nghiệp dệt may liên tục nhận đơn hàng mới, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, nguy cơ thiếu hụt lao động và chậm tiến độ giao trả hàng, ngành dệt may đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong những tháng cuối năm.
Theo đó nhiều doanh nghiệp trong ngành cho rằng tiêm vaccine phòng COVID-19 là giải pháp hữu hiệu để giữ chân người lao động.