Theo dữ liệu từ Cục Hải quan TP.HCM, kim ngạch xuất khẩu TP.HCM trong 4 tháng đầu năm đạt 12,5 tỷ USD. Đây là con số khá cao, tăng đến 69% so với cùng kỳ năm 2023.
Kim ngạch xuất khẩu hầu hết nhóm ngành đều tăng trưởng hai chữ số so với 4 tháng đầu năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 175,6 triệu USD, tăng hơn 80%. Dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD, tăng 40%. Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 912,8 triệu USD, tăng 41%…
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng đầu năm của TP.HCM cũng tăng 5%, trong khi cùng kỳ chỉ tăng hơn 1%. 4 ngành trọng điểm của TP.HCM gồm điện tử, hóa dược, lương thực thực phẩm và cơ khí tăng gần 7%, riêng hóa dược tăng đến 19%.
Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch Công ty Việt Thắng Jean, cho biết từ đầu năm đến nay, đơn hàng xuất khẩu tại doanh nghiệp này đã phục hồi và tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Việt, không chỉ Việt Thắng Jean, các doanh nghiệp trong ngành dệt may cũng ghi nhận đơn hàng xuất khẩu tăng. Lý do là các thị trường đã phục hồi, tồn kho của các nhà mua hàng đã dưới mức tối thiểu nên bắt đầu nhập hàng trở lại. Nhờ vậy, sức mua ở 4 thị trường truyền thống của ngành dệt may Việt Nam đều tăng.
Ông Nguyễn Hoài Bảo - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết tình hình ngành gỗ và nội thất cũng rất khả quan so với năm ngoái. “Nhà mua hàng ở các thị trường đã sử dụng hết hàng tồn kho nên cần nhập mới. Các thị trường truyền thống vẫn là Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu…”, ông Bảo nói thêm.
Ở nhóm ngành nông sản, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T, đánh giá khi thị trường chung càng khó khăn thì nhu cầu ngành hàng rau củ quả lại càng tăng. Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 4 tháng đầu năm rất tốt, đặc biệt với sầu riêng xuất sang Trung Quốc, hay bưởi qua New Zealand, Australia, Mỹ…
Dù kim ngạch xuất khẩu các ngành trọng điểm tăng nhưng theo các doanh nghiệp, tình hình hiện nay vẫn rất khó dự báo để có chiến lược, kế hoạch sản xuất phù hợp.
Ông Phạm Văn Việt cho rằng dù thấy đơn hàng ngành dệt may tăng cao nhưng thực tế vẫn chỉ đang phục hồi so với giai đoạn 2019-2020, tức trước dịch Covid-19. Chưa kể, chi phí sản xuất, vận chuyển, logistics hiện nay đều tăng, điều này khiến lợi nhuận trên mỗi đơn hàng mỏng hơn so với giai đoạn trước.
Theo ông Việt, vẫn chưa biết được đơn hàng giai đoạn cuối năm thế nào, có thể năm nay vẫn chỉ duy trì như mức trước Covid-19. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp tái cấu trúc, đầu tư thiết bị tăng năng suất cũng như đáp ứng các tiêu chí về môi trường của các nhà nhập khẩu.
Phó Chủ tịch HAWA Nguyễn Hoài Bảo cũng đánh giá tình hình ngành gỗ và nội thất chỉ mới quay trở lại đường đua trước Covid-19.
“Nhà mua hàng ở các thị trường đã sử dụng hết hàng tồn kho nên cần nhập mới, nhưng cũng phải từ từ thăm dò sức mua của người tiêu dùng, chưa biết được đến cuối năm thì như thế nào. Việc này phụ thuộc nhiều vào việc kiểm soát lạm phát”, ông Bảo nói và cho biết hiện các doanh nghiệp Việt đang tích cực tìm kiếm thị trường mới.
Theo đánh giá của Sở Công Thương TP.HCM, mức tăng trưởng ấn tượng trong kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm của TP.HCM, thực tế từ mức nền rất thấp của đầu năm ngoái. Bản chất là vẫn chưa tăng trưởng, mà chỉ mới phục hồi về trạng thái của năm 2020.
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết TP tổ chức Hội chợ Hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu năm 2024, từ ngày 8-11/5. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực được trưng bày, giới thiệu, quảng bá gồm thực phẩm, đồ uống; nông - thuỷ sản; đồ gỗ - mỹ nghệ; dệt may, da giày, túi xách; cao su - nhựa; điện tử - cơ khí; các ngành dịch vụ, hỗ trợ khác.
Sự kiện dự kiến thu hút khoảng 20.000 khách tham quan, nhà mua hàng, trong đó có hơn 80% khách chuyên ngành là các nhà nhập khẩu, nhà thương mại, hệ thống các siêu thị, chuỗi bán lẻ tại các thị trường lớn Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Hội chợ là cơ hội để các doanh nghiệp kết nối với nhà mua hàng trên thế giới, mở rộng thị trường xuất khẩu.