Nhiều người nghĩ, giá vàng ở mức cao trong khi lạm phát tăng ở nhiều nước nên không dám mua vàng đầu tư. Nhưng người phụ nữ ở Hà Nội này thì ngược lại, nhờ táo bạo và quyết liệt mà sau nửa tháng cô thu lãi lớn.
Thấy giá vàng thế giới nhiều tuần tăng liên tiếp và giá vàng trong nước cũng leo thang, chị Trần Thị Nhi ở Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội khấp khởi vui mừng. Đó là bởi có một chút tiền dư sau vụ mua đất chung cùng người chị gái chưa dùng đến, chị quyết định mua vàng đầu tư.
Chị Nhi kể, trước đây chị chẳng bao giờ có thói quen mua vàng như một tài sản tích trữ hoặc đầu tư dài hạn cả. Tuy nhiên, tháng trước bán được mảnh đất ở Quốc Oai, Hà Nội nên chị cầm trong tay 1 tỷ. Chưa biết đầu tư gì với số tiền này, nghĩ thế nào chị Nhi dồn hết mua vàng.
“Mảnh đất này mình và chị gái chung tiền nhau mua từ đầu năm, giờ bán đi lãi 300 triệu. Vì thế, sau giao dịch mua bán, hai chị em chia đôi tiền đầu tư và tiền lãi, mỗi người cầm về 1 tỷ đồng. Tụi mình đang tính đầu tư đất tiếp nhưng chưa tìm được mảnh nào ưng ý. Mình nghĩ tranh thủ mua vàng là hợp nhất vì chủ động mua vào bán ra được, dù biết nếu mua để chờ tăng giá ăn chênh lệch sẽ chịu nhiều rủi ro”, chị Nhi nói.
Chênh lệch giá trong nước và thế giới đang quá lớn, chuyên gia khuyên người dân không nên mua vàng |
Nghĩ là làm, sáng 28/10, chị Nhi đến một tiệm vàng có uy tín tại Hà Nội để mua vào. Thời điểm ấy, 8h30 sáng, giá vàng SJC tại Hà Nội mua vào 58 triệu đồng/lượng, bán ra 58,7 triệu đồng/lượng. Giá vàng lúc này đã tăng một chút so với ngày hôm trước. Vì thế, chị quyết định đầu tư 1 tỷ mua vào được 18 lượng vàng.
Chị bảo, khi đó cũng không suy nghĩ quá nhiều. “Để tiền gửi ngân hàng trong 1-2 tháng thì lãi chẳng được bao nhiêu vì phải gửi theo ngày, sẵn sàng rút ra bất cứ lúc nào nếu tìm được mảnh đất ưng ý để đầu tư. Vì thế, mình quyết định mua vàng. Mình chỉ nghĩ giá vàng thời điểm này sẽ khó có thể xuống dốc thất thường được do đà tăng nhiều tuần liên tiếp trên thị trường thế giới, giá vàng trong nước cũng liên tục bị đẩy cao", chị phân tích.
Hơn nữa, ngay cả trong nước, giá cả hàng hóa cũng leo thang nên theo chị vẫn có thể mua vàng thời điểm này.
Và quả thật, suy luận của chị Nhi đã đúng khi chỉ trong nửa tháng, đến ngày 17/11, giá vàng trong nước đang tiến sát mốc 62 triệu đồng/lượng. Cụ thể, vàng SJC Hà Nội đang được niêm yết mua vào 61,1 triệu đồng/lượng và bán ra 61,82 triệu đồng/lượng.
“Mình quyết định bán ra sau nửa tháng mua vàng. Sáng 17/11, mình bán 18 cây vàng với giá 61,82 triệu đồng/lượng, thu về 1,112 tỷ đồng, lãi 112. triệu đồng. Như vậy, trong hơn nửa tháng, nhờ đầu tư vàng mà mình có trong tay hơn 100 triệu đồng”, chị Nhi khoe.
Khi hỏi tại sao không đợi tăng giá thêm, chị Nhi giải thích, do không phải là chuyên gia đầu tư vàng nên chị sợ có nhiều rủi ro. Với mức giá trên, chị đã thấy có lãi nên bán ra được đồng nào hay đồng đó. Hiện ngoài bất động sản, chị thấy có nhiều kênh như USD, cổ phiếu, trái phiếu cũng thu hút nhiều người đầu tư.
Hơn nữa, thấy nhiều chuyên gia cảnh báo khi giá vàng trong nước cao hơn quá nhiều so với thế giới, hiện tượng buôn lậu vàng cũng sẽ xảy ra. Khi nguồn vàng giá rẻ nước ngoài được tuồn vào trong nước bán với giá cao, thị trường vàng nhanh chóng bị kéo giá xuống. Nếu ham hố không rút nhanh, người mua vàng như chị sẽ là đối tượng trực tiếp chịu lỗ từ lạm phát tăng giá này.
Một chuyên gia tài chính khuyến cáo, nhà đầu tư không nên mua vàng lúc này. Nguyên nhân chính là do chênh lệch giá trong nước và thế giới đang quá lớn.
Vị này giải thích, nguyên nhân khiến giá trong nước đắt hơn tới gần 20% so với thế giới (giá quy đổi) là do hầu hết giá vốn đầu vào của các doanh nghiệp vàng trong nước đều mua vào từ năm 2019-2020, khi giá thế giới vẫn giao dịch trong khoảng 1.800-1.900 USD/ounce.
Nếu giá vàng thế giới phục hồi về vùng giá này, các doanh nghiệp trong nước sẽ không tăng mạnh giá mua - bán mà chủ yếu thu hẹp chênh lệch giữa hai thị trường, về mức 1-3 triệu đồng/lượng như những năm trước đó.
Thảo Nguyên