Những hệ quả xoay quanh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung thời gian qua được bóc tách, bình luận tương đối đầy đủ dưới góc nhìn đa chiều. Trong đó, câu chuyện được đề cập với tần suất dày là mảng xuất khẩu sẽ hưởng lợi, thực tế cũng chứng minh khi nhiều doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng mạnh về đơn hàng, từ đó thúc đẩy hiệu suất kinh doanh tăng trong những quý trở lại đây, đặc biệt nhóm thủy sản.
Riêng nhóm cá tra, đi cùng mức giá liên tục tăng khiến các đơn vị trong ngành có những niềm vui trở lại, sau chuỗi ngày dài có thể gọi là khủng hoảng trước đó. Từ "anh cả" Vĩnh Hoàn (VHC), đến Navico (ANV), thậm chí Hùng Vương cũng bắt đầu có những điểm sáng trong cơn bĩ cực hiện hữu.
Nhân dân tệ liên tục rớt giá, Navico liệu có "mỏng manh dễ vỡ"?
Tuy nhiên, hưởng lợi từ chiến tranh thương mại có lẽ chỉ là vấn đề ngắn hạn thời điểm, dài hạn vẫn là chiến lược kinh doanh và hướng đi riêng của mỗi đơn vị. Nếu Vĩnh Hoàn với thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ, thì Navico sau những năm tháng miệt mài đầu tư ngoài ngành đến nay lựa chọn Trung Quốc là trọng tâm hướng đến cho sản phẩm của mình.
Hiện, kim ngạch xuất sang Trung Quốc của Navico là 32%, xếp sau Nam Mỹ. Navico xuất khẩu vào Trung Quốc thông qua đối tác phân phối độc quyền là Shanghai Fenglei International Trading từ tháng 5/2018 đến cuối quý 3 với sức tiêu thụ đạt 2.500 tấn, giá trị tương đương 6,5 triệu USD đã giúp biên lãi gộp tại Trung Quốc đạt 20%, cao hơn mức 18,5% năm 2017.
Nói về điều này, đại diện Navico đồng ý thị trường Mỹ rất tốt nhưng muốn bước chân vào không hề dễ, chưa kể Công ty chỉ vừa trở lại đường đua sau giai đoạn gánh lỗ từ đầu tư ngoài ngành. Công ty đã nhiều lần có kế hoạch tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể xuất sang Mỹ do yêu cầu từ thị trường này khá khắt khe.
Bù lại, Công ty hiện cũng đã có nhiều ký kết với đối tác bên Trung Quốc – khách hàng dự kiến thay thế Mỹ trong tương lai tại Việt Nam. "Việc ký kết với Trung Quốc cho thấy Navico đã bước một chân vào cuộc đua chia thị phần tại quốc gia này. Đây là chiến lược đi sau đợi người đi trước khai hoang thị trường mới", chủ tịch Navico từng nhấn mạnh.
Dù rằng nhu cầu tại thị trường Trung Quốc rất cao, và việc giá bán trung bình trong quý 3/2018 tăng đến 25-35% cũng đến từ nhu cầu mạnh mẽ tại thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung lên cao, đồng nhân dân tệ liên tục rớt giá là điều khiến giới phân tích, đầu tư lo lắng với Navico hiện tại.
Được biết, một số chuyên gia dự báo tỷ giá nhân dân tệ so với USD sẽ sớm giảm quá ngưỡng 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Không ngoài lo ngại, tỷ giá đồng này ngày 30/10 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2008, về sát ngưỡng tâm lý then chốt 7 nhân dân tệ đổi 1 USD.
Và như vậy, buổi đầu trở lại Navico có lẽ dễ bị tổn thương bởi tác động từ đồng Nhân dân tệ, chưa kể Trung Quốc đang là một những thị trường trọng tâm Công ty hướng đến, giới quan sát đặt vấn đề.
Dồn lực vào Trung Quốc – nơi nhu cầu cực kỳ lớn
Không chỉ tỷ giá, việc tăng cường xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc cũng để lại nhiều e dè khi nơi đây để lại nhiều trái đắng cho ngành nông Việt Nam nói chung. Phân tích điều này, đại diện Navico cho biết đúng là thị trường Trung Quốc ở khía cạnh nào đó tương đối không ổn, tuy nhiên đường chính ngạch thì ngược lại hoàn toàn. Yêu cầu cao về chất lượng, hương vị và thẩm mỹ là tiêu chí phần đông thị trường tiêu thụ nơi này đặt ra. Điển hình với cá tra, những khách hàng hiện nay của Navico yêu cầu tiêu chuẩn về con cá khá cao, vị này nói. Hiện, nhu cầu tại Trung Quốc cực kỳ lớn, và vấn đề Navico là làm sao để khai thác hết được dư địa trên.
Bên cạnh thị trường Trung Quốc thì khả năng tự chủ nguyên liệu 100% cũng là nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của công ty trong 9 tháng đầu năm. Thống kê bởi Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), giá thành cá nguyên liệu tự nuôi hiện tại đạt 20.000-22.000 đồng/kg thấp hơn đến 64% so mức giá 34.000-36.000 đồng/kg của cá nguyên liệu trên thị trường.
Thậm chí, tính đến cuối tháng 10/2018, giá trung bình cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đã lên mức cao kỷ lục 35.000-36.500 đồng/kg. Ngược lại, đó cũng là cơ hội cho Navico khi Công ty không hề bị tác động bởi giá cá tra đầu vào, chưa kể Công ty có thể sản xuất và bán trong nước để "tranh thủ" vùng đỉnh giá hiện tại. Ghi nhận 9 tháng đầu năm, ngoài cung cấp được toàn bộ thức ăn cho vùng tự nuôi, thức ăn chăn nuôi bán ra thị trường cũng đóng góp một phần đáng kể vào doanh thu với tỷ trọng 11%.
Mặt khác, các khách hàng châu Âu đang chịu mức thuế 5-7% khi nhập khẩu cá tra. Nhờ hiệp định thương mại EVFTA có hiệu lực từ giữa năm 2019 (hiệp định EVFTA dự kiến sẽ được ký kết vào cuối năm 2018), thuế quan đánh vào cá tra sẽ giảm mạnh. Tiêu thụ giảm tại châu Âu, theo đó VDSC dự kiến sẽ tăng trưởng tốt, kỳ vọng Navico vẫn tiếp tục duy tri biên lãi gộp cao như năm 2018.
Cổ phiếu tăng vút – ANV non mới ngon?
Cũng chính bởi những tín hiệu trên khiến cổ phiếu ANV của Navico một lần nữa trở thành mối quan tâm của giới đầu tư, có ý kiến cho rằng: "ANV non mới ngon". Tuy nhiên, mọi vấn đề đều có hai mặt, trong báo cáo mới đây, VDSC bày tỏ quan ngại về vấn đề chuyển nhượng khoản đầu tư ngoài ngành DAP-Vinachem 2 từ Navico cho Đại Tây Dương vì cả hai công ty có cùng chủ sở hữu là ông Doãn Tới.
Trong quý 2/2018, Navico đã nhận 120 tỷ đồng từ Đại Tây Dương của Chủ tịch Doãn Tới, là khoản thanh toán cuối cùng trong tổng số tiền 546,8 tỷ đồng của thương vụ chuyển nhượng DAP-Vinachem 2.
Trên thị trường, cổ phiếu ANV đang đi vào vùng tăng tương đối mạnh, từ mức 15.000 đồng/cp hồi tháng 8 đến nay đã tăng 2 lần lên mức 30.950 đồng/cp, thanh khoản khá tốt. Trong con sóng tăng, ANV vừa công bố phương án phát hành 2,5 triệu cổ phiếu ESOP với giá chỉ 10.000 đồng/cp – chưa bằng 1/3 so với thị giá, tỷ lệ 2,01%. Như vậy, tổng giá trị Công ty thu về dự kiến 25 tỷ đồng, được biết cổ phiếu phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng đến ngày 30/6/2019.
Đáng chú ý, mới đây Navico vừa góp vốn thành lập công ty con 100% vốn – Công ty TNHH Nuôi trồng Thủy Sản Nam Việt Bình Phú vốn điều lệ 540 tỷ đồng. Công ty ủy quyền cho ông Doãn Chí Thiên, sinh năm 1989 làm người đại diện phần vốn góp tại đơn vị này.