Chỉ số giá tiêu dùng ( CPI ) bình quân 9 tháng ở mức 3,57%. Hai nhóm mặt hàng chính tác động tới mức lạm phát của Việt Nam là xăng dầu và lương thực, thực phẩm. Trong khi giá xăng dầu tăng mạnh thời gian gần đây, áp lực lên chỉ số CPI như thế nào, thưa ông?
Kiểm soát lạm phát những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2016-2017 luôn đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Thời gian qua lạm phát là một trong chỉ tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bên cạnh kiểm soát lạm phát là chính sách tiền tệ, tỷ giá ổn định và công ăn việc làm cho người lao động.
Lạm phát trong tầm kiểm soát đồng thời đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP như vậy cũng là thành công kép. Mấy năm vừa qua kiểm soát lạm phát đạt được mục tiêu Quốc hội giao nhưng tăng trưởng mặt chất lượng chưa cải thiện nhiều, chủ yếu do chính sách tiền tệ và nguyên nhân khách quan do giá thế giới đặc biệt giá mặt hàng dầu giảm mạnh.
Giá dầu là ẩn số, thời gian gần đây giá dầu có những phiên tăng mạnh lên đến hơn 85 USD/thùng dự báo sẽ tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Điều này cũng cho thấy rằng sự kiểm soát lạm phát của chúng ta thời gian vừa qua chưa thật sự bền vững, ổn định, chắc chắn. Kiểm soát đó không phải do giá thành, chi phí hạ mà phần lớn do yếu tố khách quan bên ngoài nên mỗi sự tác động mạnh của kinh tế thế giới đều tác động mạnh đến lạm phát của Việt Nam.
Năm 2018, kiểm soát lạm phát nhưng lại bằng cách kiểm soát các nhân tố, không cho tăng giá điện, hạn chế tăng giá xăng dầu cho thấy rằng, việc kiểm soát chưa thật bền vững. Do đó, khả năng kiểm soát lạm phát được lạm phát trong năm nay nhưng bằng cách dồn nén như vậy ảnh hưởng đến chỉ số này trong năm 2019.
Tính chung tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,98%, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011. Ông dự báo thế nào về tăng trưởng GDP năm 2018?
GDP riêng trong quý III tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước. Mức này tuy thấp hơn mức 7,45% của quý I nhưng cao hơn mức tăng 6,73% của quý II, cho thấy nền kinh tế vẫn giữ được đà tăng trưởng và xóa đi lo ngại về xu hướng GDP quý sau tăng thấp hơn so với quý trước và tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại theo các quý. Do đó, tôi cho rằng việc thực hiện được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% mà Quốc hội đã giao hoàn toàn đạt được, thậm chí cao hơn.
Thực tế đến thời điểm này đã có dự báo cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP có thể là 6,8-6,9% thậm chí 7%, trên 7% nhưng xem xét vấn đề GDP xem mặt số lượng thôi chưa đủ, cần xem chất lượng, chất lượng phản ánh hiệu quả năng suất, phản ánh sự tụt hậu hay không tụt hậu của nền kinh tế. Chất lượng tăng trưởng có thể được thể hiện qua vấn đề tái cơ cấu, giải quyết công ăn việc làm như thế nào, vấn đề lao động, thu nhập…
Nhìn chung, đánh giá một cách căn bản, về mặt chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa có sự cải thiện rõ, số lượng so với khu vực và thế giới cao đặc biệt những năm vừa qua nếu so giai đoạn 2011-2016 tốc độ tăng trưởng cao và năm nay còn cao hơn nhưng chất lượng chưa được cải thiện là bao, đây là vấn đề cốt lõi.
Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam so với khu vực và thế giới cao nhưng thu nhập bình quân đầu người thấp, khoảng cách không thu hẹp nhiều. Tăng trưởng bình quân thu nhập bình quân đầu người năm 2018 dự kiến đạt 2.540 USD/người/năm như vậy tăng khoảng 155 USD/người/năm so với năm trước. Tới năm 2020 lên 3.200-3.500 USD/người/năm là khó.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong những tháng cuối năm. Theo ông cần biện pháp gì hạn chế tác động của nó?
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động lớn đến kinh tế Việt Nam do độ mở nền kinh tế Việt Nam lớn, trên 200% trong khi mức trung bình của nhiều nước là mấy chục %. Đặc biệt chiến tranh thương mại dự báo không trong ngắn hạn mà dài hạn ảnh hưởng đến áp lực tỷ giá thứ 2 là hoạt động xuất nhập khẩu.
Xin cảm ơn ông!