Các dự án điện gió đang cuống cuồng về đích sẽ đối mặt rất nhiều nỗi lo. Kể cả khi về đích thì các nhà đầu tư vẫn sẽ đối mặt không ít “cơn đau đầu” khác.
Đã chậm hoàn thành, còn lo bị giảm công suất
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến đầu tháng 8/2021, có tổng cộng 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD). Tổng công suất đăng ký thử nghiệm COD của 106 nhà máy điện gió này là 5.655 MW
Cập nhật từ EVN cho thấy, trong tháng 8, có một số nhà máy điện gió, với mức công suất cụ thể, đã được công nhận vận hành thương mại (COD) là Hòa Bình 1 (15,2 MW) - giai đoạn 2, Số 5 Ninh Thuận (21 MW), 7A (12,6 MW). Đây đều là các dự án có công suất nhỏ với tổng công suất chỉ gần 50MW.
Chỉ rất ít dự án điện gió về đích sau 3 năm thực hiện Quyết định 39. Ảnh: Lương Bằng |
Như vậy, đến cuối tháng 8/2021, mới có 24 nhà máy điện gió với tổng công suất là 963 MW đi vào vận hành thương mại. So với con số 106 nhà máy điện gió, với tổng công suất hơn 5.600MW gửi hồ sơ đăng ký COD, thì con số trên là rất nhỏ.
Vậy nên, 106 nhà máy đăng ký COD sẽ chỉ là “giữ chỗ” khi chưa đầy 2 tháng nữa là hết hạn hưởng giá ưu đãi theo Quyết định 39 (trước 31/10/2021). Đó là chưa kể, điều kiện cho dự án vận hành thương mại với điện gió lần này có thêm việc Công ty Mua bán điện đề nghị bổ sung hồ sơ "Văn bản chấp thuận của Bộ Công thương hoặc Sở Công thương các tỉnh về kết quả kiểm tra nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng". Đây là một trong các điều kiện để công nhận Ngày vận hành thương mại một phần/toàn bộ nhà máy điện gió. Điều này sẽ khiến việc nghiệm thu COD cần thêm thời gian.
Song, đó chưa phải là nỗi lo duy nhất với các nhà máy năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió và điện mặt trời. Do tác động của dịch Covid 19 nên nhu cầu phụ tải giảm thấp, đặc biệt khu vực các tỉnh phía Nam, khiến nhiều dự án đã bị cắt giảm công suất.
Nguy cơ cắt giảm công suất
Từ giữa năm 2018, do các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo được phê duyệt quy hoạch với quy mô rất lớn, EVN đã báo cáo Bộ Công Thương về khả năng giải tỏa công suất tại các khu vực có nguy cơ quá tải và các khó khăn vướng mắc tại văn bản số 2270/EVN-KH ngày 11/5/2018.
Ngày 21/5/2018, Bộ Công Thương đã có văn bản số 3943/BCT-ĐL về việc đấu nối, giải tỏa các nguồn điện năng lượng tái tạo, trong đó đề nghị EVN: “Rà soát tính toán khả năng truyền tải công suất và thỏa thuận đấu nối có điều kiện đối với những dự án năng lượng tái tạo có khả năng gây quá tải đường dây. Trong đó, Nhà đầu tư phải thực hiện giảm công suất/dừng nhà máy tuân thủ yêu cầu của Đơn vị quản lý vận hành hệ ba thống điện và và Cấp điều độ có quyền điều khiển để đảm bảo không quá tải lưới điện...”.
Đầu tư lưới điện không theo kịp tiến độ bổ sung quy hoạch các dự án năng lượng tái tạo. Ảnh: Lương Bằng |
Trên cơ sở đó, EVN đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện thỏa thuận đấu nối có điều kiện, trong đó bổ sung điều khoản đề nghị các chủ đầu tư cam kết giảm phát công suất khi xuất hiện nguy cơ đầy/quá tải các đường dây/trạm biến áp liên quan để đảm bảo vận hành an toàn lưới điện.
Trong một số trường hợp hệ thống điện thừa nguồn, chủ đầu tư cam kết giảm phát/dừng để đảm bảo tần số hệ thống nằm trong tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Công Thương quy định; Cam kết không có bất kỳ khiếu nại, khiếu kiện hay ý kiến khác khi các công trình lưới điện phục vụ giải tỏa công suất của EVN hoặc đơn vị của EVN không giải tỏa được toàn bộ hoặc một phần công suất của Dự án.
Đến nay, quá tải công suất vẫn là nỗi lo hiện hữu. Các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo tiếp tục được bổ sung quy hoạch trong thời gian qua rất lớn, trong khi việc EVN đề xuất bổ sung quy hoạch các dự án lưới điện truyền tải để đảm bảo giải tỏa công suất nguồn điện năng lượng tái tạo lại gặp rất nhiều khó khăn.
Trong văn bản gửi Bộ Công Thương ngày 6/9, EVN cho biết: Từ cuối năm 2020, EVN đã có nhiều văn bản kiến nghị bổ sung quy hoạch các dự án lưới điện truyền tải có tính chất cấp thiết, tuy nhiên Bộ Công Thương không chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch điện VII để có cơ sở thực hiện sớm mà chỉ cập nhật vào Dự thảo Quy hoạch điện VIII.
Mặt khác, công tác đầu tư xây dựng các công trình lưới điện phục vụ đấu nối giải tỏa các nguồn điện năng lượng tái tạo do EVN và các đơn vị đầu tư gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đền bù, giải phóng mặt bằng nên tiến độ nhiều công trình không đáp ứng kế hoạch.
“Tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo đã và dự kiến được đưa vào vận hành đến cuối năm 2021 rất lớn, ảnh hướng đến công tác vận hành hệ thống điện và xảy ra tình trạng quá lưới điện cục bộ tại một số khu vực nên EVN phải thực hiện cắt giảm công suất các nguồn điện”, EVN cảnh báo.
Về công tác thỏa thuận đấu nối các nguồn điện năng lượng tái tạo trong thời gian tới, EVN kiến nghị Bộ Công Thương cho phép chỉ thực hiện ký kết thỏa thuận đấu nối các nguồn điện năng lượng tái tạo khi hệ thống lưới điện đáp ứng đảm bảo giải tỏa hết công suất các nguồn điện. Trường hợp việc đấu nối nguồn điện vào lưới điện gây quá tải, đề nghị chủ đầu tư báo cáo các cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh phương án đấu nối hoặc điều chỉnh tiến độ dự án phù hợp khả năng đáp ứng của lưới điện.
Đây chắc chắn là thông tin không mấy dễ chịu với các nhà đầu tư điện gió đang “cuống cuồng” về đích. Kể cả khi về đích thì các nhà đầu tư vẫn sẽ đối mặt không ít “ác mộng”.
Lương Bằng