Nhiều dự án điện gió đang chạy nước rút để kịp hướng giá ưu đãi, dù cơ hội ngày càng ngắn lại. Song, các nhà đầu tư phải đối mặt với nỗi lo khác: Không được hoàn thuế Giá trị gia tăng vì quy định “tréo ngoe”.
Điện gió gặp khó hoàn thuế giá trị gia tăng
Phát biểu tại một hội nghị về năng lượng mới đây của UBND tỉnh Quảng Trị, ông Võ Duy Tấn, Giám đốc công ty CP Điện gió Phong Liệu, cho biết việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho dự án điện gió đang bị ảnh hưởng do Tổng cục Thuế có văn bản gửi đến Cục thuế các tỉnh yêu cầu chỉ được hoàn thuế khi dự án có Giấy phép hoạt động điện lực.
Vị lãnh đạo này chia sẻ, theo dự toán, thuế GTGT đầu vào của cả dự án là 151,7 tỷ đồng, để giảm bớt áp lực về tiến độ cũng như về nguồn vốn đầu tư xây dựng quá lớn, công ty đang tiến hành lập hồ sơ hoàn thuế GTGT đầu vào cho dự án.
Nhiều dự án điện gió đứng trước nguy cơ không được hoàn thuế GTGT. Ảnh: Lương Bằng |
Đáng nói là, theo quy định về hồ sơ hoàn thuế của dự án, công ty cần có “giấy phép hoạt động điện lực”. Thế nhưng, theo quy định tại Điều 7, Thông tư 21/2020/TT-BCT ngày 9/9/2020 của Bộ Công Thương, thời điểm dự án có đủ điều kiện để cấp giấy phép sẽ gần trùng (sát) với thời điểm dự án đi vào hoạt động, có doanh thu.
Trớ trêu là, tại khoản 3 Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính quy định, khi dự án đi vào hoạt động, tức là hết giai đoạn đầu tư xây dựng thì không được hoàn thuế GTGT.
“Điều này có nghĩa, dự án không bao giờ được hoàn thuế giá trị gia tăng”, lãnh đạo Công ty Điện gió Phong Liệu lo lắng.
Dự án điện gió của Công ty Phong Liệu không phải là trường hợp duy nhất gặp vướng mắc khi hoàn thuế GTGT. Hàng chục dự án điện gió lâm cảnh tương tự.
Các DN đã đồng loạt kiến nghị Tổng cục Thuế xem xét tháo gỡ điều kiện “có giấy phép hoạt động điện lực trong phát điện” mới được hoàn thuế GTGT. Thay vào đó, công ty cam kết bổ sung “giấy phép hoạt động điện lực trong phát điện” ngay sau khi dự án bắt đầu hoạt động.
Hiện nay, các nhà đầu tư đã nhập khẩu khối lượng lớn thiết bị, kê khai nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu tương đương 10% giá trị nhập khẩu. Song việc chậm xử lý hoàn thuế đối với dự án đầu tư gây khó khăn về tài chính cho nhà đầu tư, dẫn đến tiến độ thực hiện dự án kéo dài. Có địa phương, số thuế GTGT được khấu trừ của các dự án là gần 1.000 tỷ chưa được giải quyết hoàn thuế.
Đại diện một Cục thuế giải thích: Việc xử lý hoàn thuế đối với dự án đầu tư kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Cục Thuế thực hiện theo quy định của Luật thuế GTGT, Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Tài chính và Công văn hướng dẫn số 10492/BTC-TCT ngày 30/7/2015 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý hoàn thuế GTGT. Trong đó có nội dung: “Không thực hiện hoàn thuế đối với: ... Doanh nghiệp kinh doanh đối với những hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng được điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư”.
Nhiều nhà đầu tư bức xúc vì quy định bất cập khiến không được hoàn thuế. |
Kiểm toán Nhà nước “tuýt còi”, vẫn chưa sửa
Tại buổi làm việc với 13 doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư điện tại Việt Nam ngày 18/3, ông Vũ Xuân Bách, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho hay cơ quan này đã nhận được phản ánh của các doanh nghiệp đầu tư dự án điện gió về những khó khăn, vướng mắc trong hoàn thuế GTGT. Và sẽ ngiên cứu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế, hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế liên quan đến vấn đề này từng bị Kiểm toán Nhà nước “tuýt còi” từ năm 2019, song vẫn không được thay đổi cho đến nay.
Cụ thể, tại Báo cáo kiểm toán số 11/KTNN-TH ngày 12/2/2019 về báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán chuyên đề công tác quản lý hoàn thuế GTGT năm 2017 của Tổng cục Thuế, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra điểm không phù hợp của công văn 10492 ngày 30/7/2015 của Bộ Tài chính, đó là quy định không hoàn thuế GTGT đối với “Doanh nghiệp kinh doanh đối với những hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng được điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư”.
Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh, điều này là không phù hợp Khoản 7, Điều 1 Luật số 31/2013/QH13 ngày 19/6/2013 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT. Bởi Luật này không đề cập đến những hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cho rằng quy định tại Tiết c, Khoản 6, Điều 1 Nghị định số 100/2016/NĐ-CP là “chưa phù hợp với thực tế”.
Bởi lẽ, Nghị định quy định "Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế GTGT: Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư...". Thế nhưng, Nghị định lại không quy định rõ thời điểm người nộp thuế cung cấp giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nên có những doanh nghiệp đang đầu tư thì không được cơ quan cấp giấy phép vì chưa hoàn thành cơ sở vật chất, điều kiện về phòng cháy chữa cháy, giấy phép hoạt động điện lực... Đến khi dự án đầu tư đã hoàn thành, đủ điều kiện để được cấp giấy phép thì dự án đã đi vào hoạt động, do vậy không được hoàn thuế GTGT theo Khoản 2, Điều 1 Nghị định số 100/2016/NĐ-CP.
Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị hủy bỏ nội dung không hoàn thuế GTGT đối với “Doanh nghiệp kinh doanh đối với những hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng được điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư” tại điểm 7, Công văn số 10492.
“Việc tham mưu, ban hành Công văn số 10492/BTC-TCT ngày 30/7/2015 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý hoàn thuế GTGT trái với quy định của pháp luật về hoàn thuế GTGT”, Kiểm toán Nhà nước lưu ý.
Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị điều chỉnh quy định tại tiết c, Khoản 6, Điều 1 Nghị định số 100/2016/NĐCP theo hướng trường hợp Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng cơ sở kinh doanh chưa được cấp giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kinh doanh, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện... khi dự án đã nghiệm thu hoàn thành, đủ điều kiện đưa vào hoạt động thì cơ quan thuế sẽ truy hoàn số tiền thuế GTGT đã hoàn và xử lý theo quy định của pháp luật về Thuế. Điều này nhằm phù hợp với thực tế cũng như khuyến khích thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho người nộp thuế đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo tìm hiểu, mới đây, một Cục thuế có nhiều dự án “mắc kẹt” vì không được hoàn thuế GTGT cũng đã đề xuất Tổng cục Thuế cho phép thực hiện xử lý hoàn thuế GTGT theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại Báo cáo kiểm toán kể trên.
Một chuyên gia kiểm toán cho rằng Thông tư 130 và hướng dẫn kể trên của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã trái với các nguyên tắc của thuế GTGT. Bởi, nguyên tắc bất di bất dịch của Luật Thuế GTGT là khi doanh nghiệp đã nộp thuế GTGT hoặc đã chịu thuế GTGT đầu vào theo đúng quy định thì phải được kê khai, khấu trừ, hoàn thuế GTGT (nếu có). Nguyên tắc này cũng đã được hầu hết các quốc gia trên thế giới đã, đang và sẽ vẫn phải thực hiện như vậy một khi họ vẫn chọn sắc thuế GTGT thay cho thuế doanh thu.
Lương Bằng