Mùa công bố kết quả kinh doanh quý 3 đã bắt đầu với nhiều doanh nghiệp báo cáo kết quả khả quan. Trong bối cảnh thị trường đang gặp nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường quốc tế thì kết quả quý 3 được kỳ vọng sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực.
Tuy vậy, nhà đầu tư cũng nên thận trọng bởi không ít doanh nghiệp dù được kỳ vọng lớn nhưng báo cáo kết quả kinh doanh được công bố lại cho thấy con số không như mong đợi, điều này dẫn tới việc cổ phiếu chịu áp lực điều chỉnh.
Hiện đã có một vài cú "sốc" về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết. Vicostone (VCS) là cái tên đáng chú ý nhất khi lợi nhuận sau thuế quý 3 chỉ đạt 269 tỷ đồng, không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.
Trên thực tế, con số lợi nhuận như trên cũng không quá tệ, nhưng với một doanh nghiệp nhiều năm liên tiếp tăng trưởng hàng chục, thậm chí hàng trăm phần trăm cả về doanh thu và lợi nhuận như Vicostone thì kết quả quý 3 vừa qua đã khiến giới đầu tư thất vọng.
Việc kết quả kinh doanh Vicostone chững lại không chỉ diễn ra trong quý 3 vừa qua mà đã diễn ra trong quý trước đó với sự giảm tốc về tăng trưởng doanh thu, trong khi lợi nhuận sụt giảm tới 24%. Điều này khiến giới đầu tư lo ngại Vicostone đã bước qua thời kỳ "hoàng kim" của mình.
Ngay khi công bố kết quả ước tính quý 3 vào đầu tháng 10, cổ phiếu VCS đã bị bán mạnh và giảm gần hết biên độ. Mặc dù ngày 9/10, Vicostone đã thông qua phương án mua lại cổ phiếu quỹ nhưng điều này không đủ giúp VCS ngừng rơi.
Trong phiên giao dịch 18/10, VCS tiếp tục giảm sàn "trắng bên mua" và đóng cửa tại 71.500 đồng, mức giá thấp nhất kể từ tháng 7/2017 tới nay.
Một trường hợp khác cũng gây thất vọng trong quý 3 là CTCP Tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang (SKG). Theo báo cáo quý 3 được công bố, SKG ghi nhận doanh thu 99 tỷ đồng – giảm 11%; Lợi nhuận sau thuế 24 tỷ đồng – giảm 62% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, kết quả kém khả quan của SKG không phải là điều mới xuất hiện trong quý 3 mà đã xuất hiện từ năm 2017. Điều này bắt nguồn từ việc ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh trực tiếp với SKG, bên cạnh đó giá dầu tăng mạnh ảnh hưởng lớn tới chi phí đầu vào của doanh nghiệp.
Với kết quả kém khả quan trong quý vừa qua, cổ phiếu SKG đã có 2 phiên giảm sàn liên tiếp (17/10 và 18/10) với dư bán sàn hàng triệu cổ phiếu.
CTCP Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái (CAP) cũng là cái tên gây bất ngờ cho giới đầu tư trong quý 3 vừa qua. Sau 2 năm 2016, 2017 gặp khó khăn với hoạt động kinh doanh giảm sút, CAP gây bất ngờ trong 6 tháng đầu năm nay với hoạt động kinh doanh bứt phá ngoạn mục. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu CAP đạt 240 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước; trong khi lợi nhuận sau thuế lên tới 32 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) 6 tháng đầu năm đạt 6.159 đồng.
Kết quả khả quan kể trên đã giúp cổ phiếu CAP tăng một mạch từ vùng 32.000 đồng lên gần 50.000 đồng chỉ trong thời gian ngắn và CAP trở thành một trong những cổ phiếu thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư theo trường phái tăng trưởng.
Tuy vậy, báo cáo quý 3 cho biết công ty chỉ đạt vỏn vẹn 1,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm tới 72% so với cùng kỳ năm trước. Việc giá vốn hàng bán tinh bột sắn của công ty trong kỳ khá cao đã dẫn tới lợi nhuận giảm sút. Đón nhận kết quả này, cổ phiếu CAP đã rơi mạnh từ vùng 45.000 đồng xuống 38.000 đồng chỉ trong 2 phiên giao dịch, xóa tan thành quả trong nhiều tháng trước đó.