Hàng loạt thương vụ ngàn tỷ tiếp tục diễn ra, những kế hoạch ồ ạt tăng vốn cho thấy tham vọng tỷ USD của các đại gia Việt ngày càng lớn. Dường như danh hiệu tỷ USD đang là đích ngắm của nhiều đại gia Việt
Mùa đại hội cổ đông ngân hàng năm nay tiếp tục chứng kiến hàng loạt ngân hàng đưa ra kế hoạch phát triển táo bạo: tăng vốn ồ ạt, mở rộng mạng lưới và đề ra các chỉ tiêu kinh doanh cao.
VPBank đề ra kết hoạch tăng vốn thêm cả chục ngàn tỷ đồng, từ 15.706 tỷ đồng lên 27.000 tỷ đồng thông qua 5 đợt phát hành thêm cổ phiếu trả cổ tức, cổ phiếu thưởng, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong khi đó, VIBank cũng thông qua phương án tăng vốn thêm gần 45%, còn MBB muốn tăng thêm gần 20%; LienVietPostBank tăng gần 40% lên 10,4 ngàn tỷ đồng; HDBank tăng thêm 22%...
Gắn liền với việc tăng vốn, kế hoạch niêm yết cũng được nhiều ngân hàng đề ra. Sự sôi động của TTCK cũng góp phần cho kế hoạch phát triển của các ngân hàng thêm thuận lợi. Những giao dịch ngàn tỷ cũng dễ dàng được thực hiện.
Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam vừa có thêm thông báo về việc thực hiện chuyển quyền sở hữu cổ phiếu hơn 22,7 triệu cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) trong ngày 11/4 từ Công ty TNHH Tư vấn Kinh doanh Trang Thành sang cho một cá nhân là ông Trần Quốc Anh Thuyên. Giao dịch thỏa thuận này trị giá khoảng 1.500 tỷ đồng.
Trước đó, hồi cuối tháng 3, hai tổ chức là Công ty TNHH Đầu tư Quang Đăng và Công ty TNHH Đầu tư Lưu Khuyên đã sang tay tổng cộng gần 100 triệu cổ phiếu VPB cho 4 cá nhân. Tổng giá trị thương vụ ước tính khoảng 6.400 tỷ đồng.
Với các thương vụ trên, nhóm nhà đầu tư này đang nắm giữ mỗi người từ vài phần trăm cổ phần VPBank, tổng cộng hơn 200 triệu cổ phiếu (có giá trị khoảng 600 triệu USD) và chỉ xếp sau vợ chồng ông chủ Ngô Chí Dũng, ông Bùi Hải Quân và Lô Bằng Giang.
Với cú chào sàn hồi tháng 8/2017, các gia đình ông chủ VPBank đã lọt top giàu nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK). Mặc dù vậy, so với các tỷ phú top 10, các đại gia tại VPBank vẫn còn kém xa và khả năng trở thành tỷ phú USD là khá xa vời. Lên sàn và tăng vốn là cách để các ngân hàng phát triển mạnh.
Ngân hàng VIB gần đây cũng vạch ra kế hoạch lên sàn và tăng vốn điều lệ lên 8.100 tỷ đồng thông qua chào bán và phát hành riêng lẻ cổ phiếu mới cho nhà đầu tư và chia cổ phiếu thưởng. Giới đầu tư kỳ vọng việc các cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh cũng sẽ giúp TTCK có thêm các tỷ phú chứng khoán.
Trên TTCK, sau khi VN-Index vượt lên đỉnh cao mọi thời đại trên 1.200 điểm, áp lực bán tháo cũng tăng khá mạnh. Phiên 11/4 chứng kiến cú rớt giá khá sâu khiến VN-Index mất hơn 31 điểm, thủng vùng đỉnh lịch sử 1.170 điểm.
Tuy nhiên, đây cũng là điều bình thường trong bối cảnh thị trường đã tăng trưởng ấn tượng trong năm 2017 và quý 1/2018. Trong khi thị trường tài chính và chứng khoán thế giới đang gặp nhiều rủi ro trước những bất ổn địa chính trị và thương mại.
Trước đó, kết thúc phiên giao dịch 11/4, VN-index giảm 31,01 điểm xuống 1.167,11 điểm; HNX-Index giảm 2,94 điểm xuống 133,74 điểm. Upcom-Index giảm 0,56 điểm xuống 59,86 điểm. Thanh khoản đạt 380 triệu cổ phần. Giá trị đạt 10,9 ngàn tỷ đồng.
V. Hà