Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa qua báo cáo về kết quả 3 năm thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) theo Nghị quyết 42/2017. Giai đoạn 15/8/2017 đến 31/5/2020, hệ thống ngân hàng đã xử lý nợ xấu nội bảng 160.920 tỷ đồng, xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 67.280 tỷ đồng, bán 65.680 tỷ đồng cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và được thành toán bằng trái phiếu đặc biệt.
Tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý đạt trung bình khoảng 7.150 tỷ đồng/tháng, gấp hơn 2 lần so với kết quả xử lý nợ xấu giai đoạn 2012 - 2017. Thống đốc Lê Minh Hưng từng nhận định kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 bằng hình thức khách hàng trả nợ tăng, phản ánh ý thức trả nợ đã cải thiện.
Xử lý nợ xấu thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: L.H.
Dù vậy, thực tế theo ông Hưng, việc triển khai Nghị quyết 42 còn nhiều hạn chế liên quan đến việc triển khai của bộ ngành, địa phương; sự phối hợp của cơ quan công an các cấp; cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng tài sản bảo đảm; phối hợp trong hoạt động thi hành án dân sự; việc giới hạn phạm vi lựa chọn tổ chức thẩm định...
Chuyên gia Cấn Văn Lực nhận định nghị quyết còn 4-5 vướng mắc lớn, chưa được tháo gỡ, nên rõ ràng việc vào cuộc của các bộ ngành địa phương chưa quyết liệt, ví dụ như liên quan đến thuế thanh lý ưu tiên tài sản đảm bảo, phí thi hành án… Bên cạnh đó, công an các địa phương vào cuộc chưa quyết liệt.
Đấu giá, xử lý tài sản đảm bảo cũng không đơn giản với các ngân hàng. VietinBank, BIDV… là những đơn vị liên tục rao bán, đấu giá nợ, tài sản của khách hàng. Một số tài sản đảm bảo được phát mại 10-20 lần. Đơn cử, BIDV đấu giá toàn bộ khoản nợ của CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn 17 lần, tài sản đảm bảo của CTCP Thúy Đạt 29 lần; VietinBank đấu giá tài sản của CTCP Thương mại Xây dựng Vận tải Anh Đạt 12 lần; Sacombank treo bán hàng loạt bất động sản là tài sản đảm bảo giá trị trăm tỷ đồng nhiều năm qua…
Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm đấu giá TP HCM từng chia sẻ kết quả những cuộc đấu giá thành công tài sản đảm bảo nợ chiếm khoảng 50%. Nhiều gói tài sản đảm bảo nợ xấu phải định giá, giảm giá nhiều lần. Nhà đầu tư vẫn còn tâm lý e ngại nên việc bán thành công rất khó.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng nhấn mạnh thủ tục pháp lý quá phức tạp, vướng mắc nhiều khâu là rào cản chính của thị trường mua bán nợ tại Việt Nam.
Chuẩn bị cho nợ xấu mới từ Covid-19
Trong 6 tháng đầu năm, dù có tác động từ Thông tư 01, nợ xấu của ngành ngân hàng vẫn tăng. Theo thống kế với 25 ngân hàng (không gồm Agribank), giá trị nợ xấu đã tăng 20% trong nửa năm, tỷ lệ nợ xấu nâng từ 1,44% lên 1,68%.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, Thông tư 01 giúp một số doanh nghiệp không bị chuyển nhóm nợ thành nợ xấu, để tiếp tục vay tiền các nhà băng. Tuy nhiên, điều này cũng đẩy rủi ro về phía ngân hàng. Ông Hiếu cho rằng nợ xấu phát sinh thực chất vẫn tồn tại, Thông tư 01 khiến một phần nợ xấu không thể hiện trên báo cáo tài chính.
Chuyên gia Cấn Văn Lực cũng đánh giá khách hàng hiện nay phức tạp hơn vì nhiều cá nhân/tổ chức có dấu hiệu lợi dụng Covid-19 để trì hoãn trả nợ, giao tài khoản thanh lý cho các tổ chức tín dụng.
Một số ngân hàng đã chuẩn bị cho việc phát sinh nợ xấu trong tương lai bằng việc nâng dự phòng. Vietcombank là đơn vị thực hiện tích cực nhất, tỷ lệ bao nợ xấu tăng từ 179% lên 254%. Một số ngân hàng khác như TPBank, Techcombank, NamABank, MB... tỷ lệ này cũng tăng 10-15 điểm phần trăm.
Tỷ lệ bao nợ xấu tại một số ngân hàng. Đơn vị: tỷ đồng,%. |
|
Với ảnh hưởng của dịch bệnh, cùng rủi ro phát sinh từ các khoản vay mới tại ngân hàng, việc xử lý nợ xấu cũ, tài sản đảm bảo cũng gặp khó khăn hơn. Nhiều kiến nghị được đưa ra. Các lãnh đạo ngân hàng mong muốn các bộ vào cuộc tích cực hơn, đề nghị tòa án sớm áp dùng trình tự rút gọn với xử lý tài sản đảm bảo nợ vay…
UBND TP HCM mới đây cũng kiến nghị tiếp tục kéo dài thí điểm xử lý nợ xấu đến hết năm 2025 theo Nghị quyết 42/2017 (Hiện nay nghị quyết chỉ áp dụng triển khai trong 5 năm từ 2017) vì quá trình xử lý nợ xấu khó khăn, cần thời gian dài hơn. Ngoài ra, cần có chính sách thuế phù hợp liên quan đến việc bán tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch VAMC kiến nghị về lâu dài cần phải “luật hóa” Nghị quyết 42. Do chưa được “luật hóa”, các chế tài chưa rõ ràng, nhiều quy định tại nghị quyết khi triển khai phải dựa vào nhiều bộ luật, trong khi giá trị pháp lý cao hơn Luật Các tổ chức tín dụng. Điều này khiến VAMC và các ngân hàng gặp khó khi triển khai. Ông cho rằng cần đưa ra chế tài và quy rõ nhiệm vụ cho từng ngành, địa phương trong việc xử lý nợ xấu.
Đồng quan điểm, chuyên gia Cấn Văn Lực nhận định sự vào cuộc của các cơ quan chức năng là cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, theo ông Lực việc xây dựng luật riêng về xử lý nợ xấu cần phải được cân nhắc kỹ hơn.
Trước mắt, theo ông Lực, các bộ, ngành, địa phương phải làm hết trách nhiệm. Nghị quyết 42 chính là quyết sách xử lý tình thế trong bối cảnh nợ xấu cao. Đến năm 2022, nền kinh tế được kỳ vọng hoạt động bình thường, doanh nghiệp người dân có ý thức hơn, thiện chí hơn về việc trả nợ. Căn cứ tình hình lúc đó, một nghị quyết mới hoặc luật có thể được cân nhắc kỹ hơn.