Các tỷ phú Việt trong đó có ông Trần Đình Long, ông Nguyễn Đăng Quang, ông Phạm Nhật Vượng kiếm tỷ USD từ hoạt động sản xuất. Đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế và triển vọng của DN.
Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa ghi nhận doanh thu hợp nhất vẫn đạt 110 nghìn tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD) cho dù không còn doanh thu lớn từ mảng bán lẻ. Doanh thu từ mảng sản xuất ô tô và điện thoại tăng mạnh, trong khi thu từ bất động sản vẫn lớn, nhờ việc bàn giao nhiều tại ba Đại dự án Vinhomes. Doanh thu VinSmart/VinFast tăng gấp đôi lên 18 nghìn tỷ đồng.
Lĩnh vực công nghiệp của ông Phạm Nhật Vượng ghi dấu ấn khi VinFast đã bán ra tổng cộng 31.500 xe ô tô trong năm 2020, trong đó VinFast Fadil, VinFast Lux A và VinFast Lux SA trở thành mẫu xe bán chạy nhất trong các phân khúc tương ứng.
VinSmart cũng giữ vững vị thế trong top thương hiệu điện thoại thông minh bán chạy nhất trong quý IV và bắt đầu triển khai các giải pháp Nhà thông minh (Smarthome) tại hai Đại đô thị Vinhomes Ocean Park và Vinhomes Smart City tại Hà Nội.
Các tỷ phú Việt tiếp tục bứt phá. |
Tập đoàn Masan (MSN) của tỷ phú USD Nguyễn Đăng Quang cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm. Doanh thu 2020 của Masan tăng mạnh gấp hơn 2 lần so với năm trước lên trên 77,2 nghìn tỷ đồng. Tập đoàn của ông Nguyễn Đăng Quang ghi nhận lợi nhuận ròng 1.234 tỷ đồng trong bối cảnh chuỗi Vinmart, Vinmart+ chính thức đạt EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ) dương.
Đây là lần đầu hệ thống Vinmart của VinCommerce có lãi sau khi chuyển từ Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng về Masan của ông Nguyễn Đăng Quang. Lần đầu tiên đạt EBITDA dương trong quý IV/2020 với lợi nhuận 16 tỷ đồng. Nền tảng tiêu dùng bán lẻ với cái tên mới The CrownX đã hoàn tất giai đoạn đầu tiên trong quá trình chuyển đổi.
Tăng trưởng doanh thu của Masan cũng được thúc đẩy bởi mảng kinh doanh thịt (Masan MEATLife, MML) và hàng tiêu dùng có thương hiệu (MCH), cùng với đóng góp chỉ số từ việc hợp nhất các mảng kinh doanh mới sáp nhập.
Với ngành hàng tiêu dùng, công ty con Masan Consumer Holdings (MCH) ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 22% trong quý IV, đạt 7.612 tỷ và 27% cả năm 2020, đạt 23.971 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên MCH đạt doanh thu 1 tỷ USD.
Các sản phẩm mới chăm sóc cá nhân và gia đình đóng góp 43% tăng trưởng doanh thu của ngành hàng tiêu dùng nhanh năm 2020, thúc đẩy phần lớn tăng trưởng cho MCH.
Trong năm tới, doanh thu thuần của MCH dự kiến tăng 15-20% với động lực từ các sản phẩm mới mới, chiến lược cao cấp hóa danh mục thực phẩm, mở rộng quy mô ngành hàng thức uống và sản phẩm chăm sóc cá nhân, gia đình.
Tổng cộng, công ty con của Masan - The CrownX (nắm giữ lợi ích tại VinCommerce và MCH) có doanh thu gần 54,3 nghìn tỷ đồng trong năm 2020, lớn thứ 2 trong lĩnh vực tiêu dùng tại Việt Nam.
Mảng thịt lợn của Masan thắng lớn trong năm 2020 khi giá thịt lợn ở mức cao. Trong quý IV/2020, Masan MEATLife (MML) ghi nhận doanh thu tăng 27% lên trên 4,7 nghìn tỷ đồng. Cả năm MML đạt hơn 16,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước. MML tiếp tục các thương vụ M&A để mở rộng danh mục kinh doanh đạm động vật.
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú USD Trần Đình Long là một doanh nghiệp có mảng sản xuất là cốt lõi. Doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong 2020 tăng tới 80% so với năm trước lên 13,5 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận trong quý IV/2020 tăng gấp hơn 2,4 lần so với cùng kỳ lên 4,66 nghìn tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục lịch sử trong một quý của Hòa Phát.
Như vậy, HPG là một doanh nghiệp "ngược dòng" thành công ngoạn mục. Ngành thép trong năm 2020 gặp rất nhiều khó khăn khi nguyên liệu đầu vào đều tăng mạnh, giá quặng sắt tăng vọt vào cuối năm.
Trong 2020, HPG ghi nhận doanh thu đạt gần 91,3 nghìn tỷ đồng, tăng 41% so với 2019. Sản xuất thép tiếp tục đóng vai trò đầu tàu với 5,8 triệu tấn thép thô, gấp đôi 2019. Thị phần thép HPG vươn lên mức 32,5%. Lượng phôi thép cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước đạt 1,7 triệu tấn, cao gấp hơn 12 lần so với năm 2019.
Không chỉ sản xuất, HPG ghi nhận tăng trưởng ngoạn mục trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành một trong những doanh nghiệp lớn trong mảng này. Thị phần bò Úc chiếm 50%, trứng gà sạch đã đạt sản lượng 700.000 quả/ngày, góp mặt trong những doan nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi heo với gần 400.000 heo (gồm cả heo thịt và heo giống).
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index tiếp tục hồi phục mạnh mẽ, tăng thêm hơn 15 điểm và đang hướng dần về ngưỡng 1.100 điểm.
Theo MBS, thị trường quay đầu tăng điểm trong phiên cuối tuần với mức tăng tốt nhất kể từ mức đáy cuối tháng 7/2020 giúp xoa dịu nỗi đau của nhà đầu tư sau 4 phiên giảm sâu, qua đó có thể tiếp tục tạo hiệu ứng tích cực cho phiên tuần mới cùng với sự hỗ trợ từ mạch mua ròng của khối ngoại. Thanh khoản tương đương so với phiên trước đó cũng phù hợp với tâm lý thận trọng của giới đầu tư sau chuỗi giảm sâu của thị trường vừa qua và những phiên tăng điểm như hôm thứ Sáu thường mang yếu tố kỹ thuật. Nhìn chung, với kinh nghiệm kiểm soát dịch rất tốt của chính phủ sẽ giữ vững tâm lý cho nhà đầu tư và hỗ trợ xu hướng tăng trở lại của thị trường trong nước.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/1, VN-Index tăng 32,67 điểm lên 1.056,61 điểm; HNX-Index tăng 11,17 điểm lên 214,21 điểm. Upcom-Index tăng 2,96 điểm lên 72,08 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 20,3 nghìn tỷ đồng.
V. Hà