Quốc gia khởi nghiệp
Israel là một quốc gia hết sức đặc biệt, dân số chỉ vỏn vẹn 7,1 triệu người, "tuổi đời" cũng chỉ tầm 60, bị "bao vây" bởi kẻ thù, chưa bao giờ đón nhận hòa bình và gần như không có tài nguyên nào quý giá.
Bất chấp khó khăn, Israel vẫn đều đặn "sản xuất" ra hàng nghìn start-up có giá trị mỗi năm, vượt xa các quốc gia lớn hơn, ổn định hơn và cũng giàu có hơn như Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ, Hàn Quốc, Anh và Canada.
Tạp chí The Economist cũng khẳng định vị trí đứng đầu thế giới của Israel về số lượng start-up công nghệ và vốn đầu tư mạo hiểm tính trên đầu người.
Về mặt kinh tế, thu nhập của người dân Israel được Ngân hàng quốc tế xếp hạng cao nhờ vào xuất khẩu kim cương cắt mài, phụ tùng công nghệ cao, thuốc và thực phẩm chức năng.
Ngoài ra thì quốc gia "bé nhỏ" Israel còn nằm trong top 20 nước có Chỉ số phát triển con người tốt nhất thế giới của Liên hiệp quốc với mức GDP cực kỳ ấn tượng - 350,9 tỷ USD vào năm 2017.
Theo quyển sách "Quốc gia khởi nghiệp", có hai bí mật đằng sau nền kinh tế "thần kỳ" của Israel, đó là nghĩa vụ quân sự và dân nhập cư.
Tại sao lại là dân nhập cư? "Vì dân nhập cư không sợ làm lại từ đầu và mạo hiểm hết mọi thứ. Một quốc gia của dân nhập cư sẽ là một quốc gia khởi nghiệp.
Từ những người sống sót qua cuộc thảm sát Holocaust, cho đến những nhà khoa học di cư khỏi Liên Xô và gần nhất là cộng đồng Do Thái tị nạn, Israel luôn là một quốc gia của người nhập cư."
90% dân Do Thái tại Israel hiện nay là con cháu của những dòng người nhập cư đầu tiên, cũng như thế hệ đi trước, những người này đã được dạy một tinh thần quật cường, sẵn sàng đánh đổi tất cả để thành công vì không còn gì để mất.
Nhưng tinh thần đó một lần nữa được trui rèn trong lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), tổ chức không chỉ bảo toàn an ninh cho quốc gia mà là nơi đào tạo doanh nhân hàng đầu thế giới.
Là nơi tập hợp tương lai của đất nước, IDF cung cấp một môi trường áp lực và cực kỳ "bất kính", tất cả những gì được quan tâm là trí thông minh và sáng tạo.
Ngoài xã hội Israel nói chung, địa vị và tuổi tác thường không được đề cao vì lái xe taxi vẫn có thể chỉ đạo triệu phú và thanh niên luôn có cơ hội làm sếp của những người đáng tuổi cha chú mình.
Chính vì thế, ngay từ những ngày đầu, các tân binh IDF đã ít nhận được mệnh lệnh từ cấp trên, được phép tùy cơ ứng biến và thoải mái "phá lệ". Khác với những tổ chức khác, các tân binh IDF có thể chống đối bất cứ khi nào "sếp" làm sai.
Và đó không phải là những lời nói suông, quân đội Israel liên tục tổ chức đánh giá và thẳng tay "hạ cấp" những quản lý không đủ tài.
Đơn vị "tinh túy" 8200
"8200" là tên gọi của đơn vị tình báo "bí ẩn" nhất trong quốc gia khởi nghiệp. Không những phụ trách an ninh mạng và tổ chức nhiệm vụ gián điệp, 8200 còn "cho ra lò" hàng chục doanh nhân và kỹ sư công nghệ cao mỗi năm, được mệnh danh là "cỗ máy sản xuất startup" của Israel.
"Có một nét tương đồng giữa cuộc sống tân binh và môi trường khởi nghiệp" - theo Izhar Armony, cựu quân nhân IDF và hiện là quản lý quỹ khởi nghiệp CRV: "Dù khởi nghiệp không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nó vẫn stress không kém với hạn chót lúc nào cũng gần kề, môi trường ngột ngạt, và đặc biệt là mỗi người đều phải chịu trách nhiệm với hành động của bản thân.
Từ những khó khăn trên, số lượng doanh nhân khởi nghiệp từ quân đội Israel cao hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới."
Nhưng đặc biệt nhất vẫn là đơn vị 8200, quy tụ những bộ não kỹ thuật cao và trẻ nhất quốc gia. Với quá trình tuyển dụng "cam go" không kém gì MIT hay Harvard, 8200 tập trung nâng cao kỹ thuật của tân binh với mục tiêu tăng cường công nghệ cho cả nước.
Amir Orad, CEO của startup Sisense chia sẻ về kỷ niệm lần đầu gia nhập 8200: "Tuần đầu tiên sau khi hoàn thành khóa huấn luyện cơ bản, tôi được cấp trên phát cho 10 cuốn sách với lời dặn "Bạn có vài ngày để đọc hết và làm chủ công nghệ này".
Tân binh Orad 20 tuổi vào lúc đó đã có kinh nghiệm lập trình và bán thành công một vài phần mềm cho công ty bảo hiểm. "Dù chẳng biết gì về Unix và C++, nhưng tôi không được nói "không", bạn phải tìm mọi cách để biến "no" thành "yes"."
Một cựu quân nhân khác cho hay: "Cấp trên luôn phải chứng minh vị thế của bản thân, không yêu cầu cấp dưới làm những việc mà chính họ cũng không làm được. Những kinh nghiệm từ năm 20 tuổi vẫn còn hữu hiệu trong quá trình làm việc với cương vị CEO hiện nay."
Nhờ vào môi trường "khắc nghiệt" như trên, dù sở hữu tài chính, nhân lực và kinh nghiệm hạn chế, đơn vị 8200 vẫn tạo ra được nhiều virus "khét tiếng", đánh bại hệ thống quản lý của nhiều trung tâm hạt nhân Iran và xâm nhập thành công tập đoàn bảo mật Kaspersky.
Theo số liệu từ hãng tuyển dụng GotFriends, cựu quân nhân 8200 luôn nhận được mức lương cao hơn 20% so với mặt bằng chung, và 80% quân nhân nhận được lời mời làm việc chỉ sau 3 tháng kể từ lúc xuất ngũ.
Không những thế, các cựu thành viên của đơn vị 8200 còn thành lập hàng loạt startup công nghệ nổi tiếng, giúp đơn vị 8200 được Business Insider gọi là "trường công nghệ vĩ đại nhất thế giới" và trở thành một đầu tàu kinh tế đích thực cho cả "quốc gia khởi nghiệp".