Trong tháng 8, cả Mỹ và Trung Quốc đã phá bỏ thỏa thuận đình chiến và trả đòn áp thuế quan lên hàng hóa của nhau. Trong phiên giao dịch hôm 3/9, đồng CNY tiếp tục suy yếu, đã có lúc xuống mức 7,2 CNY/USD. Bắc Kinh đã liên tục để đồng CNY phá giá và hiện đang ở mức thấp nhất trong hơn 10 năm. Động thái này sẽ tác động ra sao đến Việt Nam?
Phá giá tiền tệ không phải là một chiến thuật mới. Ngay cả Liên minh châu Âu hay các quốc gia đang phát triển, cũng đã có nhiều quốc gia phá giá tiền tệ định kỳ để kích thích nền kinh tế của họ.
Tuy nhiên, việc phá giá đồng CNY không phải câu chuyện của riêng Trung Quốc, mà có thể là vấn đề đối với nền kinh tế toàn cầu. Với vị thế nhà xuất khẩu lớn nhất và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bất kỳ thay đổi nào được Trung Quốc tạo ra cũng sẽ có tác động đánh kể đến bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu.
Thứ nhất, khi hàng hóa Trung Quốc trở nên rẻ hơn, nhiều nền kinh tế xuất khẩu từ nhỏ đến vừa có thể thấy doanh thu thương mại giảm. Nếu các quốc gia này đang nợ nần và phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu, nền kinh tế của họ có thể bị ảnh hưởng.
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu hàng hóa. Việt Nam có thể chịu thiệt hại nếu sự mất giá của Trung Quốc làm cho hàng hóa của họ rẻ hơn trên thị trường toàn cầu, Investopedia đánh giá.
Thứ hai, quyết định phá giá đồng CNY của PBOC đã báo hiệu rằng nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa vốn đã chậm, nay sẽ lại tiếp tục giảm.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, Trung Quốc là thị trường lớn nhất nhập khẩu mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện và nông sản của Việt Nam. Vì thế nếu cầu từ Trung Quốc yếu đi, Investopedia cho rằng, các mặt hàng này sẽ có khả năng chịu tác động lớn hơn so với các ngành khác.
Thứ ba, nếu xét trên phương diện chuỗi cung ứng toàn cầu, việc phá giá đồng CNY sẽ khiến cho chi phí nguyên vật liệu và nhân công của Trung Quốc rẻ đi một cách tương đối.
Tuy nhiên, trong ngắn và trung hạn, điều này sẽ không đảo ngược chuỗi sản xuất đang chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Bởi lẽ, quá trình di dời này đã diễn ra từ lâu trước khi Trung Quốc bắt đầu phá giá, tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc, hãng tin Bloomberg phân tích.
Kyocera - nhà sản xuất gốm sứ và điện tử đa quốc gia của Nhật Bản tiết lộ với Nikkei Asian Review việc chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam của tập đoàn này sẽ mất thời gian để điều chỉnh việc mua sắm vật liệu và các quy trình khác cũng như tiêu tốn hàng tỷ JPY (1 tỷ JPY tương đương 9,2 triệu USD).
Hơn nữa, việc phá giá sâu đồng CNY cũng sẽ khiến niềm tin của các nhà đầu tư vào Trung Quốc suy yếu. Giai đoạn 2015 - 2016, điều tương tự đã xảy ra khi Trung Quốc để đồng CNY mất giá; và dẫn đến một sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc, làm suy yếu thêm vị thế bên ngoài của nó.
Mặc dù tài khoản vốn của Trung Quốc có vẻ ổn định hơn vào thời điểm này, quy mô nợ bằng ngoại tệ đã tăng lên đối với các công ty toàn cầu và các quốc gia. Vì thế động thái phá giá này cũng không có tác động nhiều đến dòng vốn đầu tư vào Trung Quốc, ít nhất là trong trung hạn, Bloomberg cho biết thêm.