* Bài viết dựa trên các đánh giá phân tích của hai chuyên gia: Tiến sỹ Kanokwan Chodchoey – Giám đốc Điều hành Hiệp hội Giống cây trồng châu Á – Thái Bình Dương (APSA) và Tiến sỹ Tan Siang Hee – Giám đốc Điều hành CropLife châu Á (CLA)
Rau được bày bán tại 1 siêu thị ở Singapore. Ảnh: Channel News Asia.
Tại châu Á, từ Pakistan, Malaysia tới Úc và New Zealand, các biện pháp hạn chế tiếp xúc và đi lại chưa từng có tiền lệ đã được triển khai, việc hạn chế di chuyển không chỉ áp dụng với người dân mà còn với hàng hoá và dịch vụ - đây cũng là điều dễ hiểu.
Covid-19 đang là mối lo ngày càng lớn đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và chính phủ các nước đang thực hiệm các chiến lược phản ứng theo cách tốt nhất có thể để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch này.
Tại Malaysia, Việt Nam, Philippines và Thái Lan, các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, đóng cửa biên giới và đóng cửa trên toàn quốc đối với các ngành nghề kinh doanh không thiết yếu được áp dụng.
Mặc dù các nước Đông Bắc như Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn chưa áp dụng các động thái như vậy, nhưng đây vẫn là các biện pháp đang được ưu tiên triển khai ngày càng nhiều hơn trên toàn thế giới
Nhưng khi gấp rút thực thi các biện pháp đóng cửa biên giới và hạn chế tiếp xúc, một điểm quan trọng là không để các biện pháp để giải quyết khủng hoảng về đại dịch vô tình tạo ra một cuộc khủng hoảng khác.
Sự cân bằng giữa an ninh lương thực ở châu Á - và đặc biệt là Đông Nam Á - phụ thuộc rất nhiều vào nông dân trong khu vực. Tiếp cận với các nguyên liệu nông nghiệp cơ bản như thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón.
Những gián đoạn trong sự sẵn có của những nguyên liệu này do đóng cửa biên giới, hạn chế di chuyển, chuỗi bán lẻ ngưng hoạt động có thể tạo ra những khó khăn trong chuỗi sản xuất và tiếp tục cung ứng thực phẩm.
Người dân Singapore xếp hàng mua thực phẩm tại siêu thị với nỗi lo thiếu thực phẩm sau khi Malaysia tuyên bố đóng cửa biên giới. Ảnh: Reuters.
Chuẩn bị cho vụ gieo trồng mới sắp đến, việc đảm bảo liên thông liên tục và kịp thời của các công cụ và nguyên liệu sản xuất sẽ cho phép nông dân tiếp tục cung cấp cho thị trường nguồn thực phẩm an toàn và bổ dưỡng – đây được xem là điều quan trọng hơn bao giờ hết.
An ninh lương thực là ưu tiên trọng điểm
An ninh lương thực không hề bị lãng quên trong các chương trình ứng phó với đại dịch Covid-19 tại khu vực.
Rõ ràng là hầu như mỗi ngày, chúng ta đều đọc được các tin tức về việc chính phủ và các cơ quan quản lý khẳng định rằng nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào sẽ tiếp tục có sẵn và các hướng dẫn được đưa ra để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Vào giữa tháng 3, Singapore đã công bố nước này “có nguồn dự trữ thực phẩm có đủ cung cấp trong nhiều tháng”. Gần đây, Philippines và Malaysia đã công khai tuyên bố họ có nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào, sau đó tuyên bố thêm là họ có đủ gạo để nuôi toàn bộ dân số trong hai tháng rưỡi tới.
Nhưng khi việc ứng phó với Covid-19 đã sang quý hai của năm, những đảm bảo đó có thể tiếp tục được cam kết trong bao lâu?
Ngoài các kho dự trữ lương thực tại toàn khu vực, tiếp tục sản xuất nông nghiệp để tạo ra nguồn mới là rất cần thiết - và cách tốt nhất để làm điều đó là đảm bảo nông dân trong khu vực vẫn nhận được nguyên liệu sản xuất đúng lúc để canh tác.
Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy việc phong toả đã gây thiệt hại ở Malaysia, nơi hậu quả không được tính trước của Lệnh Kiểm soát Di chuyển chính phủ (MCO) đang ảnh hưởng đến nông dân nước này.
Khu chợ Petaling Jaya (Malaysia) đóng cửa trong suốt thời gian thi hành lệnh phong toả toàn quốc. Ảnh: Channel News Asia
Vào cuối tháng 3, trang tin Channel New Asia (CNA) đã có những bài viết cho thấy sự thất vọng của những nông dân trồng rau tại Malaysia khi họ đang phải đối mặt với những gián đoạn và khó khăn mới khi mua mua nguyên liệu cũng như thuê nhân công do lệnh phong toả. Chính phủ Malaysia đã gỡ bỏ lệnh này vào ngày 14/4 vừa qua.
Theo ông Tan So Tiok - Chủ tịch Hiệp hội Nông dân trồng rau Malaysia, nguồn cung đã giảm khoảng 30% khi áp dụng lệnh phong tỏa. Ngoài ra, còn có thông tin cho thấy khả năng tiếp cận thị trường của nông dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong thời gian này. Nông dân ở Ấn Độ và Malaysia đã buộc phải đổ rau và trái cây tươi đi do sự gián đoạn vận chuyển trong chuỗi cung ứng thực phẩm.
Nông hộ nhỏ đối diện nhiều thách thức
Trong một bài phân tích của Hội đồng Kinh doanh vì sự phát triển bền vững Singapore, có tới 85% tổng số 520 triệu nông hộ nhỏ trên toàn cầu sinh sống tại châu Á và tại khu vực Đông Nam Á, tổng số nông hộ nhỏ là 100 triệu.
Những nông dân canh tác quy mô nhỏ trong khu vực phải đối mặt với những thách thức rất đặc thù: chủ quyền đất canh tác, thiếu khả năng tiếp cận thị trường và nguồn tài chính, biến đổi khí hậu cấp tính và rất nhiều khó khăn khác.
Kể cả khi không có dịch Covid-19, nông dân vẫn đang hàng ngày phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan. Các kiểu thời tiết bất thường, lũ lụt, hạn hán trên toàn khu vực tiếp tục tàn phá các ruộng canh tác nhỏ của nông dân trên toàn khu vực.
Chỉ mới năm ngoái, vào mùa mưa, khi những đợt mưa lớn rất quan trọng cho nông dân khu vực Đông Nam Á tới muộn, đã gây ra một đợt hạn hán nghiêm trọng. Điều này đã khiến mực nước trên sông Mê Kông xuống mức thấp nhất trong 100 năm qua và nông dân trồng lúa đã không thể canh tác vụ mùa chính của họ.
Trong nhiều trường hợp, khả năng tiếp cận công nghệ của nông dân trong khu vực không giống với những “đồng nghiệp” của họ tại các nước phương Tây, và thường bị giới hạn bởi phương thức canh tác truyền thống.
Các sản phẩm bảo vệ thực vật và hạt giống là các “nguyên liệu” cơ bản trong việc thúc đẩy các chu kỳ mùa vụ từ gieo hạt, thu hoạch đến xuất. Nếu sự sẵn có của những nguyên liệu đó bị đứt gãy hoặc trì hoãn, điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của hàng triệu nông dân châu Á - và theo đó là an ninh lương thực khu vực.
Nếu không có các sản phẩm bảo vệ thực vật, ước tính 40% sản lượng ngô và lúa có thể mất hoàn toàn mỗi năm và thiệt hại này đối với rau quả tươi có thể từ 50 – 90%. Trong khi đó nông dân đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực của khu vực. Theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), nông hộ nhỏ tại châu Á đang sản xuất và cung ứng 80% lượng thực phẩm tiêu thụ tại châu Á và khu vực hạ Sahara (Châu Phi).
Tiếp theo sẽ là gì?
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có vai trò quan trọng đối với việc đảm bảo an ninh lương thực tại khu vực – vốn đã khá mong manh cũng như khả năng tiếp cận của nông dân tới các nguyên liệu sản xuất và canh tác nông nghiệp – và vai trò này càng trở nên quan trọng trong giai đoạn khó khăn này.
Các bộ trưởng của các nước trong khu vực cần cùng làm việc và đưa ra các biện pháp bảo vệ và hạn chế các hậu quả về an ninh lương thực tại mỗi quốc gia và trong khu vực; đặc biệt là có thể do các yêu cầu đóng cửa nhà máy sản xuất và các cửa hàng bán lẻ - bởi đây là mắt xích quan trọng trong duy trì chuỗi sản xuất và cung ứng nông nghiệp.
Việc phối hợp giữa các bộ và các quốc gia là bước đầu tiên nhưng cũng là bước đóng vai trò quan trọng.
Ngoài ra, khi triển khai các chính sách giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển, một trong những việc làm có giá trị thực tiễn là lắng nghe phản hồi của nông dân và những đơn vị tham gia trong chuỗi sản xuất và cung ứng nông nghiệp và thực phẩm; từ đó đưa ra các tháo gỡ quan trọng và kịp thời những vướng mắc; đảm bảo quá trình lưu thông và vận hành của cả chuỗi sản xuất này không bị gián đoạn.
* Tiêu đề do tòa soạn Dân Việt đặt lại.