Nước Mỹ đang hướng đến lần đóng cửa chính phủ một phần lâu nhất lịch sử sau khi không bên nào tỏ dấu hiệu nhượng bộ trong cuộc đối đầu gay gắt về ngân sách cho kế hoạch xây bức tường ở biên giới với Mexico.
Công trình "phù phiếm"
Cuộc chiến này chắc chắn còn kéo dài sau khi cuộc họp giữa Tổng thống Donald Trump và các lãnh đạo của Đảng Dân chủ tại quốc hội khép lại trong bế tắc hôm 9-1, ngày đóng cửa thứ 19. Ông chủ Nhà Trắng đột ngột rời khỏi cuộc họp sau khi yêu cầu về khoản tiền 5,7 tỉ USD cho hàng rào thép (thay vì bức tường bê-tông như ban đầu) tiếp tục bị khước từ. Trong lúc ông Trump gọi cuộc họp là "phí thời gian", phe Dân chủ cũng chỉ trích kế hoạch của ông là "phí tiền" bởi có thể tăng cường an ninh biên giới bằng những phương thức thông minh hơn là đổ tiền cho công trình "phù phiếm, không cần thiết".
Lập luận của Đảng Dân chủ không phải không có cơ sở bởi theo một số ước tính, một bức tường dài 1.600 km như ý muốn ban đầu của ông Trump có thể mất hơn 10 năm để hoàn thành, với điều kiện huy động khoảng 10.000 công nhân. Báo The Washington Post chỉ ra rằng ngay cả khi "hạ đô" xuống hàng rào thép, 10.000 công nhân nói trên cũng chỉ dựng được công trình dài 370 km trong vòng hơn 2 năm.
An ninh hàng không ở Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi lần đóng cửa chính phủ hiện nay Ảnh: BLOOMBERG
Nếu không có đột phá đáng kể, thời gian đóng cửa lần này (bắt đầu hôm 22-12-2018) có thể phá kỷ lục 21 ngày từ thời Tổng thống Bill Clinton (16-12-1995 đến 6-1-1996). Có không ít rủi ro về chính trị, an ninh và tổn thất kinh tế đến từ canh bạc liều lĩnh này. Ngày 11-1 là ngày đầu tiên một số nhân viên liên bang bị ảnh hưởng bởi tình trạng đóng cửa không được nhận lương, đe dọa dẫn đến bất mãn.
Tính tổng cộng, khoảng 800.000 nhân viên liên bang bị vạ lây, trong đó có nhân viên Cơ quan An ninh vận tải (TSA) làm nhiệm vụ kiểm tra hành khách tại sân bay và nhân viên kiểm tra an toàn thực phẩm của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm (FDA).
Đã xuất hiện cảnh báo an ninh hàng không bị đe dọa nếu lần đóng cửa này kéo dài qua ngày 11-1, sau khi một số nhân viên TSA nghỉ việc và một số khác cân nhắc ra đi. Để trấn an dư luận, phát ngôn viên TSA Michael Bilello khẳng định đang lên kế hoạch bảo đảm nhân sự và người đi lại không bị trì hoãn bất thường tại sân bay. Trong khi đó, tờ The Washington Post dẫn lời Ủy viên FDA Scott Gottlieb cho biết cơ quan này có kế hoạch nối lại kiểm tra những cơ sở bị đánh giá là có "nguy cơ cao".
Nhìn chung, nhà kinh tế học Beth Ann Bovino của cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s (Mỹ) ước tính mỗi tuần chính phủ đóng cửa khiến kinh tế Mỹ thiệt hại tổng cộng 1,2 tỉ USD.
Không ai nhường ai
Điều đáng lo là không có dấu hiệu nào cho thấy hai bên sẵn sàng nhượng bộ. Với ông Trump, bức tường biên giới là nội dung quan trọng trong chiến dịch tranh cử và nhà lãnh đạo này không muốn bị xem là thất hứa, nhất là khi ông hay khai thác nỗi lo về người nhập cư trái phép trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Ngược lại, Đảng Dân chủ quyết không cấp tiền cho bức tường dù sẵn sàng tăng ngân sách để củng cố an ninh biên giới. Theo báo The Straits Times, họ càng có thêm lý do để cứng rắn sau khi giành lại quyền kiểm soát hạ viện từ tay Đảng Cộng hòa và các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy người dân nghiêng về hướng quy trách nhiệm cho ông Trump về lần đóng cửa chính phủ này.
Để phá vỡ thế bế tắc mà không mất mặt, ông Trump có thể ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và xúc tiến xây tường biên giới mà không cần quốc hội phê chuẩn. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định bước đi như thế chắc chắn sẽ gây thêm tranh cãi và thách thức pháp lý. Khi đó, tòa án có thể phải phán quyết xem liệu dòng người di cư trái phép có là mối đe dọa đủ lớn để ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia hay không. Ngoài ra, nếu sử dụng quyền khẩn cấp để ra lệnh quân đội xây bức tường, ông Trump có thể đối mặt cáo buộc lạm quyền tại tòa.