Sau khi Báo Lao Động đăng tải loạt bài phản ánh những góc khuất của thị trường hàng xách tay, đặc biệt là tình trạng bát nháo ở khu phố Nguyễn Sơn - nơi từ nhiều chục năm nay được mệnh danh là "thiên đường", là "thủ phủ" hàng nhập ngoại không rõ nguồn gốc, các cơ quan chức năng đã lập tức vào cuộc và tiến hành kiểm tra, xử lý.
Ngày 24.10, ngày đầu của đợt ra quân, trước sự kiểm tra bất ngờ và gắt gao của các đội chức năng thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, các hộ kinh doanh tại đây đã chủ động đóng cửa để... "né". Cả tuyến phố vốn tấp nập bỗng lặng ngắt như tờ, mọi giao dịch ngưng trệ. Tuy nhiên, vẫn có ít nhất 4 cửa hàng đều là những tên tuổi lừng lẫy trong giới bị kiểm tra và xử lý.
Đến đầu giờ chiều ngày 27.10, theo quan sát của nhóm PV, khung cảnh tại phố Nguyễn Sơn nói chung và con ngõ 158 nói riêng rất ảm đạm, các cửa hàng vẫn cửa đóng then cài. Nếu có mở, thì chỉ một vài shop kéo cửa lên lưng lửng, nhân viên lẫn chủ quán ngồi túm năm tụm ba trước cửa, đưa ánh mắt dáo dác ngó quanh khắp nơi.
Không chỉ vậy, một điều đáng lưu tâm là phần lớn biển hiệu của các cửa hàng bán đồ xách tay đều đã bị hạ xuống hoặc che bớt chữ "xách tay". Trong đó, không ít shop dù đã gỡ biển nhưng chưa có biển thay thế và vẫn đóng cửa. Khi hàng loạt biển hiệu đã bị hạ, mọi giao dịch bỗng tê liệt, liệu "thủ phủ" hàng xách tay Nguyễn Sơn có đến ngày tàn?
Sau đây là những hình ảnh chúng tôi ghi lại được tại phố Nguyễn Sơn trước và sau khi cơ quan chức năng vào cuộc:
Kiểm tra 10 vụ, xử lý cả 10 vụ
Trong Công văn số 2981/QLTT-TH&PHLN ký ngày 25.10 gửi tới Báo Lao Động, Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, đơn vị này đã lập tức chỉ đạo các đội chức năng đi kiểm tra, xử lý các vi phạm tại phố Nguyễn Sơn.
Bước đầu, đơn vị đã kiểm tra 10 vụ, xử lý 10 vụ và phạt hành chính 73,6 triệu đồng, trị giá hành vi phạm hơn 147 triệu đồng (hàng hóa vi phạm chủ yếu là mỹ phẩm các loại). Hiện, việc kiểm tra, xử lý vẫn tiếp tục được tiến hành.