Facebook đã phát hành "Sách trắng" cho tiền điện tử Libra của họ vào hôm thứ Ba vừa qua và điều đó đã dẫn đến một số phản ứng trái chiều về cách mà đồng tiền kỹ thuật số mới này sẽ ảnh hưởng đến giá của Bitcoin trong dài hạn. Một số người xem dự án tiền tệ của Facebook không hơn gì PayPal, trừ một yếu tố đáng chú ý là có sử dụng blockchain, trong khi những người khác lại cho rằng điều này cuối cùng có thể dẫn đến việc các loại tiền điện tử truyền thống như Bitcoin sẽ được chấp nhận hơn nữa.
Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn những chi tiết về đồng tiền số Libra này và ý nghĩa của nó đối với Bitcoin.
Libra không phải là Bitcoin
Libra và Bitcoin là hai "sinh vật" hoàn toàn khác nhau. Bitcoin là một mạng lưới phi tập trung, nghĩa là không cần ai cho phép và chống lại sự kiểm duyệt, trong khi Libra được điều hành bởi một liên doanh các tập đoàn lớn và vẫn sẽ chịu áp lực quản lý từ những chính phủ khác nhau trên thế giới.
Thật vậy, các nhà lập pháp đang cố gắng ngăn chặn Facebook tạo ra loại tiền kỹ thuật số của riêng họ. Theo Bloomberg, Bộ trưởng Tài chính Pháp, Bruno Le Maire, đã tuyên bố rằng Libra không được phép trở thành một loại tiền tệ có chủ quyền. Một thành viên người Đức của Nghị viện châu Âu cũng đã nói rằng các cơ quan quản lý nên có thái độ "cảnh báo cao" đối với việc phát hành sách trắng Libra.
Ngoài ra, tại Hoa Kỳ, Chủ tịch Ủy ban dịch vụ tài chính Hạ viện, Maxine Waters, đã yêu cầu Facebook tạm dừng các kế hoạch tiền điện tử của họ ngay bây giờ.
Ngoài sự khác biệt trên, Bitcoin và Libra cũng là hai thái cực đối lập nhau về chính sách tiền tệ. Bitcoin có một biểu cung (supply schedule) phi chính trị, được xác định trước của riêng mình, trong khi Libra chỉ đơn giản được hỗ trợ bởi một rổ tiền tệ do các chính phủ phát hành.
Theo Reuters, Jorn Lambert, phó chủ tịch điều hành của Mastercard, đã phát biểu rằng dự án Libra thậm chí có thể không khởi động được nếu bị quá nhiều phản đối từ các cơ quan quản lý.
Không giống như Bitcoin, đứng sau lưng Libra của Facebook là các đối tác rõ ràng, có thể được cơ quan quản lý dễ dàng xác định khi cần thiết. Nếu người dùng Libra hành động theo cách "không cần xin phép, chống lại sự kiểm duyệt", thì việc toàn bộ dự án bị cơ quan quản lý đóng cửa chỉ là vấn đề thời gian.
Việc Libra của Facebook không thể hoạt động theo cách "không cần xin phép" cũng đặt ra câu hỏi liệu nó có nên được xem là một loại tiền điện tử thực sự hay không - ít nhất là trong suy nghĩ của những người theo chủ nghĩa thuần túy Bitcoin. Cặp song sinh nhà Winklevoss, những người từng kiện Mark Zuckerburg vì cho rằng anh này ăn cắp ý tưởng của họ để tạo nên mạng xã hội này, cũng cảm thấy phẫn nộ giống như những người muốn gắn bó với bản chất phi tập trung, chống kiểm duyệt của Bitcoin, vì họ liên tưởng tới một ứng dụng thanh toán tiền điện tử bị quản lý theo quy định của luật pháp.
Trong khi một số nhà quản lý đã kêu gọi cấm các loại tiền số, đặc biệt là những đồng tiền tập trung vào sự ẩn danh và quyền riêng tư, thì mục đích của các mạng tiền số này là chống lại những biện pháp như thế.
Cũng cần lưu ý rằng ở đây chúng ta đang nói về Facebook. Với tất cả các vụ bê bối liên quan đến quyền riêng tư trong nhiều năm qua, gã khổng lồ trong ngành truyền thông xã hội này là hình ảnh hoàn toàn trái ngược với tất cả mọi thứ mà Bitcoin đại diện. Gần đây Apple cũng công bố một loại thẻ tín dụng mà sẽ có sự bảo vệ quyền riêng tư tốt hơn cho người tiêu dùng so với những gì Facebook sẽ cung cấp qua dự án Libra.
Tóm lại, Libra dường như không hơn gì một biến thể của hệ thống tài chính truyền thống. Điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá Bitcoin, vì tuyên bố giá trị chủ chốt của đồng tiền điện tử đầu tiên và phổ biến nhất trên thế giới hiện là một kho lưu trữ giá trị và phương tiện trao đổi phi chính trị. Nói cách khác, Libra không có ảnh hưởng gì tới thị trường "vàng kỹ thuật số".