Sáng nay (17/8), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố Mỹ có thể áp dụng các lệnh trừng phạt mới lên Thổ Nhĩ Kỳ nếu như Tổng thống Erdogan không trao trả tự do cho mục sư người Mỹ Andrew Brunson. Ông Brunson là nhân vật bị phía Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc có liên quan đến cuộc đảo chính thất bại chống lại Tổng thống Erdogan năm 2016.
"Chúng tôi có nhiều thứ để làm hơn là dự định ban đầu nếu như họ không nhanh chóng thả ông ấy", Mnuchin phát biểu trong cuộc họp nội các, dù không tiết lộ cụ thể Mỹ sẽ sử dụng biện pháp nào.
Cùng lúc đó, Tổng thống Trump cũng đăng lên Twitter rằng Thổ Nhĩ đã "lợi dụng nước Mỹ suốt nhiều năm nay".
Ngay sau những phát biểu này, đồng nội tệ lira của Thổ Nhĩ Kỳ - vốn đã ổn định trở lại trong mấy ngày gần đây – lại một lần nữa lao dốc so với USD. Hôm đầu tuần, lira chạm đáy thấp nhất mọi thời dại 7,2 lira đổi 1 USD.
Mỹ đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có động thái tăng gấp đôi thuế nhập khẩu nhôm và thép từ tuần trước. Các biện pháp trừng phạt tác động rất lớn đến thị trường tài chính Thổ Nhĩ Kỳ với cả đồng lira và chỉ số chứng khoán đều chạm đáy. Cú sụp đổ của đồng lira còn làm chao đảo cả các thị trường mới nổi khác. Đồng rand Nam Phi, peso Argentina và rupiah Indonesia đều giảm giá mạnh.
Mặc dù lira đã hồi phục trở lại, đồng tiền này vẫn rất mong manh trước các động thái của Washington, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp nhiều rắc rối. Lạm phát đang ở mức cao nhất 14 năm (gần 16%) nhưng NHTW Thổ Nhĩ Kỳ vẫn từ chối tăng lãi suất – công cụ đơn giản mà các nước khác thường sử dụng để hạ nhiệt lạm phát.
Ngoài ra Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang bên bờ khủng hoảng nợ quy mô lớn, và đồng lira yếu càng khiến việc hoàn trả các khoản nợ quốc tế trở nên khó khăn hơn.