Nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất trong lịch sử nhưng lãi vay vẫn giảm chưa tương xứng.
Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay
Cuối ngày 15/7, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) công bố giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn. Đối tượng được giảm lãi vay đợt này là khách hàng cá nhân và doanh nghiệp có hợp đồng vay như trên, khi hợp đồng đến hạn thay đổi lãi suất từ 15/7-15/10/2021.
Ban lãnh đạo ACB cho biết sẽ xét đến mức độ dịch bệnh tác động đến tình hình kinh doanh (doanh thu, lợi nhuận, số lượng lao động,... ) của các doanh nghiệp, thu nhập của khách hàng cá nhân và mức độ gắn kết của khách hàng với ngân hàng này để có mức giảm lãi suất phù hợp cho khách hàng đang vay.
Ngoài ra, ACB còn triển khai thêm gói vay ưu đãi 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất tối thiểu 6%/năm cho doanh nghiệp và 7%/năm cho cá nhân từ nay đến 31/10.
Cũng trong chiều 15/7, Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) công bố giảm lãi suất cho vay với tất cả khách hàng vay vốn bằng VND. Với khoản vay tại thời điểm 15/7, nhà băng này sẽ giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên. Ước tính, Agribank sẽ dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng từ nay đến hết 31/12/2021. Ngân hàng cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ tích cực khác như: cơ cấu lại nợ gốc và lãi; miễn phí chuyển tiền trong nước.
Nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay (Ảnh minh họa) |
Tương tự, chiều 15/7, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) cũng quyết định hạ lãi suất cho vay bình quân giảm 1 điểm % đối với khách hàng ở một số lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19. Lãi suất giảm từ 0,5-1,5 điểm %, tuỳ đối tượng khách hàng.
Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) tiếp tục triển khai gói hỗ trợ quy mô 9.000 tỷ với lãi suất ưu đãi giảm đến 2% cho các DN, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Căn cứ vào thực trạng, mức độ ảnh hưởng cụ thể, các DN sẽ được giảm lãi suất vay ngắn hạn, trung và dài hạn đến 2%/năm, cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm phí. Với các DN xây dựng đang vật lộn với giá nguyên vật liệu tăng cao, Bản Việt có gói tín dụng hỗ trợ với hạn mức 800 tỷ đồng lãi suất vay chỉ từ 7,5%/năm, giảm phí bảo lãnh đến 55%, các loại phí dịch vụ khác giảm từ 10-20%.
Trước đó, chiều 13/7, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thông báo giảm lãi suất 1%/năm cho khách hàng doanh nghiệp, cá nhân chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng - khách sạn - nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế,... Sacombank cũng tiếp tục ưu đãi hoặc miễn phí dịch vụ, cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm khung lãi suất cho vay.
Nhà băng này đang triển khai nguồn vốn ưu đãi trị giá đến 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng cho DN xuất khẩu cũng như hỗ trợ các DN khác gặp khó khăn. Thời điểm áp dụng từ 18/6/2021 đến hết 31/12/2021 hoặc khi hết nguồn, tùy điều kiện nào đến trước.
Lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động
Giảm lãi suất cho những khoản vay hiện hữu là điều mà các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp mong mỏi. Dịch Covid-19 hoành hành hơn 1 năm qua khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, lãi suất các khoản vay đang là gánh nặng với rất nhiều người.
Lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động (Ảnh minh họa) |
Nhiều doanh nghiệp cho hay, dù thời gian qua, ngân hàng cũng có giảm lãi suất với một số khoản vay nhưng thực tế lãi suất phải trả vẫn cao khi dịch bệnh khiến họ không chịu nổi.
Chẳng hạn, những lĩnh vực không thuộc ưu tiên phải vay vốn ngân hàng kỳ hạn 6 tháng với mức lãi suất 7,5%/năm. Nhưng 3 tháng sau, lãi suất cho vay lại bị điều chỉnh, tăng lên khoảng 8,5-9%/năm. Với kỳ hạn dài, lãi suất năm đầu từ 8-8,5%, sau đó cộng biên độ từ 4-4,3%, khi đó lãi suất từ sẽ tăng lên 11-13%/năm. Dù gần đây, lãi suất cho vay ở các kỳ hạn dài được một số nhà băng giảm từ 1-1,5 điểm %/năm thì lãi suất phải trả vẫn trên 10%/năm.
Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất trong lịch sử nhưng lãi vay vẫn giảm chưa tương xứng.
Trong khi đó, chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay rất lớn. Nếu lãi suất huy động bình quân chỉ 3-5%/năm, thì có những khoản vay vẫn treo lãi suất 9-10%/năm.
Thời gian qua, một số ngân hàng tung gói tín dụng ưu đãi, nhưng nhiều doanh nghiệp than khó tiếp cận được.
Ngày 12/7, Hiệp hội Ngân hàng đã yêu cầu 16 ngân hàng thương mại lớn phải giảm lãi suất cho vay ngay trong tháng 7 với các khoản dư nợ hiện hữu, tức là các khoản nợ mà doanh nghiệp đang vay ngân hàng. Việc giảm lãi suất cho vay đợt này tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Với việc giảm với dư nợ hiện hữu, sẽ có nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn tài chính được miễn giảm hơn.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, mức giảm lãi suất cho vay được tính toán theo tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng, dựa trên bình quân trên tổng dư nợ hiện hữu. Mức giảm có thể từ 0,5-1,5 điểm % hoặc hơn tùy khả năng của ngân hàng.
Anh Tuấn