Giữa những lo ngại đang gia tăng và tác động đến giá cổ phiếu, một số ngân hàng đã công bố kết quả hoạt động quý I/2022, cho thấy tăng trưởng lợi nhuận phân hoá mạnh.
Lợi thế tăng trưởng nghiêng về các ngân hàng lớn
Với khoảng 9 ngân hàng công bố báo cáo tài chính tại thời điểm thu thập dữ liệu, VDSC ước tính tăng trưởng tổng thu nhập lãi thuần bình quân của nhóm này là 21%, tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng 36% và tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 70%. Trong đó, VPBank công bố lợi nhuận tăng trưởng bất thường nhờ khoản phí trả trước bancassurance.
Sự tăng trưởng của các cấu phần thu nhập cho thấy sự đóng góp lớn của thu nhập ngoài lãi, hệ số CIR và chi phí tín dụng. Thu nhập lãi thuần tăng trưởng mạnh mẽ tại các ngân hàng tư nhân lớn do tăng trưởng tín dụng cao so với đầu năm và sự chênh lệch giữa tốc độ mở rộng tín dụng và huy động tiếp diễn.
VDSC cho rằng, dù tăng trưởng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp bị chững lại song tín dụng vẫn ghi nhận đà tăng trưởng bền vững, tại ngày 19/04/22 tăng 6,37% từ đầu năm và tăng 16,0% so với cùng kỳ năm 2021, cao nhất kể từ đầu đại dịch. Tăng trưởng mạnh đến từ cả các khoản cho vay ngắn hạn 6,84% và dài hạn 5,86%, trong đó các khoản vay mua nhà và ô tô đóng góp đáng kể.
''Điều này cho thấy hoạt động giải ngân vẫn diễn ra bình thường ở hầu hết các ngân hàng. Tuy nhiên, chính sách tín dụng có thể đã được thay đổi theo định hướng bán lẻ và cho các doanh nghiệp vay không vì mục đích kinh doanh bất động sản'', nhóm phân tích đánh giá.
VDSC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng bảng cân đối giữa các ngân hàng sẽ tiếp tục phân hoá mạnh năm 2022 và lợi thế sẽ nghiêng về phía các ngân hàng lớn.
Từ kết quả kinh doanh quý I/2022 của một số ngân hàng, động lượng phù hợp với kỳ vọng này ở các ngân hàng tư nhân hàng đầu trong khi các ngân hàng nhỏ hơn có mức tăng trưởng âm. Tính theo năm, hạn mức tăng trưởng tín dụng cao năm 2021 và tốc độ mở rộng tín dụng mạnh mẽ trong quý I/2022 đã mang lại tăng trưởng tín dụng tốt tại các ngân hàng tư nhân lớn, hỗ trợ thu nhập lãi thuần.
Theo VDSC, mặc dù có sự phục hồi trong quý I/2022, tốc độ tăng trưởng huy động của các ngân hàng lớn này vẫn chậm hơn quá trình mở rộng tín dụng. Điều này cũng đã hỗ trợ tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM).
Sự phân hoá trong tăng trưởng lợi nhuận giữa các ngân hàng sẽ tiếp tục trong quý II/2022, trước khi toàn ngành được hưởng lợi từ nền so sánh thấp và hạn mức tăng trưởng tín dụng thường được nâng lên trong nửa cuối năm 2022.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng và huy động tiếp tục không đồng đều là một trong các nguyên nhân khiến NIM của một số ngân hàng mở rộng trong quý I/2022.
Ngân hàng nào bị thu hẹp NIM mạnh nhất?
Đánh giá về triển vọng NIM, VDSC cho rằng sẽ có sự phân hoá tương đối. Diễn biến lãi suất trong quý I/2022 đã chứng minh điều này. 5 trong số 9 ngân hàng công bố báo cáo tài chính có NIM giảm theo quý. 3 trên 4 ngân hàng có NIM mở rộng là ngân hàng nhóm 1 – ngân hàng tư nhân quy mô lớn.
Theo đó, lãi suất huy động trong quý 1/2022 tăng trung bình 3 điểm cơ bản so với quý IV/2021. Lợi suất cho vay bình quân giảm 8 điểm cơ bản. Điều này dẫn đến việc thu hẹp chênh lệch lãi suất thị trường 1 của nhiều ngân hàng.
Lãi suất huy động tăng mạnh nhất tại Techcombank (29 điểm cơ bản), VPBank (19 điểm cơ bản) và TPBank (14 điểm cơ bản). Những ngân hàng này cũng có mức tăng trưởng tiền gửi cao nhất. Chỉ có 3/9 ngân hàng giảm lãi suất huy động bình quân theo quý.
Lợi suất cho vay tăng mạnh nhất tại VPBank (55 điểm cơ bản), VPBank cũng là ngân hàng duy nhất có lợi suất cho vay tăng trưởng dương trong quý I/2022.
Lợi suất cho vay giảm mạnh nhất theo quý ở Bac A Bank, tiếp theo là TPBank. Đối với riêng TPBank, lợi suất huy động tăng 14 điểm cơ bản nhưng lợi suất cho vay lại giảm mạnh dẫn đến sự thu hẹp liên tục ở NIM (hàng quý) của TPBank.
Số liệu của VDSC cho thấy, NIM của TPBank giảm từ 6,8% trong quý IV/2021 xuống còn 6,4% trong quý I/2022; Techcombank giảm từ 6,9% xuống còn 6,5%, Bac A Bank giảm từ 2,9% xuống còn 2,2%; trong khi VPBank tăng từ 9% lên 9,3% và NCB tăng từ 4,5% lên 4,9%.
Lãi suất huy động niêm yết tại các ngân hàng tư nhân đang tăng lên. Điều này được phản ánh qua việc lãi suất huy động bình quân tăng trong quý I/2022 so với quý IV/2021. Trong khi đó, các ngân hàng quốc doanh vẫn duy trì mức lãi suất kể từ giữa năm 2021. Tốc độ tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng tư nhân hàng đầu đang chững lại, do đó, kỳ vọng lãi suất huy động niêm yết khá ổn định trong quý II/2022. Về phía cuối năm, dự kiến lãi suất vẫn sẽ tăng so với mức hiện nay.
"Các ngân hàng tư nhân đã tích cực hơn trong việc thu hút tiền gửi do quy mô nhỏ hơn. Tốc độ tăng lãi suất gần đây đã chậm lại, nhưng chúng tôi kỳ vọng đà tăng sẽ quay trở lại trong nửa cuối năm 2022", VDSC nhấn mạnh.