Sáng 9/7, HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, nhiệm kỳ 2021- 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 8. Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ Bùi Minh Châu quán triệt, cần mang tinh thần quyết liệt, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng vào các nội dung của Kỳ họp.
"Từ đó đưa ra cam kết, giải pháp, thời gian cụ thể thực hiện kịp thời những kiến nghị chính đáng của cử tri và đại biểu, góp phần vào thành công của kỳ họp và tạo sự chuyển biến mới trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội" - Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu nhấn mạnh.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP ) đạt 8,16% trong 6 tháng đầu năm, ông Bùi Minh Châu cho biết đây là mức tăng trưởng khá cao, cao hơn khá nhiều so bình quân chung của cả nước.
"Bức tranh kinh tế, xã hội của tỉnh tiếp tục có bước phát triển mới với nhiều gam màu tươi sáng. Với tốc độ tăng GRDP đạt 8,16% 6 tháng đầu năm, Phú Thọ vươn lên xếp thứ 4/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, 13/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện rõ nét, các chỉ số PCI, PAR Index xếp thứ hạng cao. Lần đầu tiên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Phú Thọ tăng 14 bậc, thuộc top 10 của cả nước; các chỉ số SIPAS, PAPI tiếp tục được duy trì thứ hạng…" - Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ nói.
Thông tin tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Phan Trọng Tấn nêu rõ, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Phú Thọ 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 4.017,5 tỷ đồng, đạt 58,5% dự toán (bằng 96,5% so với cùng kỳ). Tổng vốn chi đầu tư phát triển hơn 21,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Trọng Tấn cũng nêu bật điểm sáng của Phú Thọ trong 6 tháng qua, doanh thu du lịch đạt trên 2.700 tỷ đồng, tăng 13,3%; đón 482.900 lượt khách du lịch lưu trú, trong đó 5.500 lượt khách quốc tế, tăng 14,8% so cùng kỳ.
Đặc biệt, toàn hệ thống đã vào cuộc quyết liệt thực hiện công tác bồi thường, GPMB, đẩy nhanh tiến độ các dự án. Phú Thọ lọt top nhóm 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao cả nước. Cụ thể, Phú Thọ đã hoàn thành 10/20 dự án trọng điểm thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025. Đến hết tháng 6, giải ngân vốn đầu tư công được 1.776 tỷ đồng, tỷ lệ đạt 45%.
Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì ổn định. Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục tăng trưởng mạnh, 6 tháng đầu năm đạt 14,58% so với cùng kỳ. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 33,8% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 35,1%, sản xuất và phân phối điện tăng 16,8%...
"Đóng góp quan trọng cho tăng trưởng công nghiệp chủ yếu thuộc khối doanh nghiệp FDI do được bổ sung năng lực mới từ cuối năm 2023 đến nay. Điển hình là dự án nhà máy điện tử của công ty điện tử BYD doanh thu 6 tháng tăng thêm 20.000 tỷ đồng; dự án sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của công ty Sunergy Cell, doanh thu đạt 3.500 tỷ đồng... Những dự án này đóng góp tăng 26% giá trị tăng thêm công nghiệp và 8% giá trị GRDP " - ông Phan Trọng Tấn lý giải về kết quả sản xuất công nghiệp tăng mạnh.
Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Phú Thọ đánh giá, từ đầu năm đến nay, địa phương cũng thu hút 47 triệu USD của 10 dự án FDI mới và 19 dự án đầu tư trong nước (DDI), vốn đăng ký hơn 1.541 tỷ đồng...
"Sự gia tăng cả dòng vốn FDI thực hiện và đăng ký sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động trong các quý tới, bao gồm cả xây dựng, việc làm, khẳng định niềm tin, cam kết của các doanh nghiệp nước ngoài đối với đất nước nói chung, tỉnh Phú Thọ nói riêng trong làn sóng phi toàn cầu hóa, giảm rủi ro, chuyển dịch chuỗi cung ứng hiện nay" - ông Phan Trọng Tấn cho biết thêm.
Xác định kinh tế nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò là trụ đỡ của kinh tế, tỉnh Phú Thọ đã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, phát triển vùng sản xuất tập trung theo hướng hiệu quả, bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có 445 vùng trồng tập trung với diện tích 19.600ha, trong đó có 157 vùng trồng lúa chất lượng cao, 70 vùng sản xuất chè, 161 vùng bưởi, 33 vùng sản xuất chuối, 24 vùng sản xuất rau.
Thiết lập, cấp 267 mã số vùng trồng cho 257 vùng trồng, diện tích 5.100ha; có 40 vùng sản xuất cây gỗ lớn tập trung, 65 khu nuôi thủy sản tập trung, tỷ lệ chăn nuôi tập trung, trang trại so tổng đàn tiếp tục tăng.
6 tháng đầu năm, sản lượng lương thực có hạt đạt 278.700 tấn (tăng 1,0% so cùng kỳ), sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt hơn 110.000 tấn (tăng 2,8%), sản lượng thủy sản đạt 20.700 tấn (tăng 3,3%), sản lượng gỗ khai thác đạt trên 484.000m3 (tăng 3,2% so cùng kỳ).
Trong nửa đầu năm 2024, có thêm 2 huyện Thanh Ba và Tam Nông được công nhận huyện NTM, hoàn thành trước 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Như vậy, toàn tỉnh có 6 huyện NTM, 136 xã NTM, 16 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu, 1.655 khu dân cư đạt chuẩn NTM.
Toàn tỉnh có 237 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó có 182 sản phẩm hạng 3 sao, 54 sản phẩm hạng 4 sao, 1 sản phẩm hạng 5 sao.
Trong 6 tháng cuối năm, Phú Thọ tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra từ đầu năm, đồng thời, tập trung bảo đảm ổn định và tăng trưởng kinh tế , kiểm soát lạm phát; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Bên cạnh đó, tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới nổi, mô hình kinh doanh mới.
Phú Thọ thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, đô thị và bảo vệ môi trường.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…