Câu chuyện về “cỗ xe tam mã” được đề cập nhiều khi nói về tăng trưởng kinh tế 2023, bao gồm: xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và đầu tư công. Đây được đánh giá là những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, câu chuyện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh thực hiện kinh tế số, kinh tế tuần hoàn cũng được xem là động lực mới và sẽ trở thành trụ cột trong những năm tới.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp 2,5 lần tỷ lệ lạm phát là điểm sáng nổi bật trên bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022. Đây cũng là nét khác biệt trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với lạm phát cao nhất trong 40 năm qua và tăng trưởng thấp ở nhiều nền kinh tế lớn.
Đà tăng trưởng ấn tượng của năm vừa qua được kỳ vọng là tiền đề để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023.
Ông Nguyễn Bích Lâm – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá, vị thế kinh tế Việt Nam trong thương mại quốc tế được củng cố và khẳng định. Trong khi tổng cầu thế giới suy giảm, đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu gặp khó khăn về nguyên vật liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ, nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá năm sau cao hơn năm trước, phản ánh sự năng động, vượt khó đi lên trong tìm kiếm nguồn hàng, tìm kiếm thị trường.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước. Đây là con số kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó xuất khẩu tăng 10,6%, nhập khẩu tăng 8,4%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cũng là điểm sáng của nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư và thương mại quốc tế suy giảm. Tổng vốn FDI năm 2022 đạt gần 27,72 tỷ USD; giải ngân gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước đó.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước và là mức tăng cao trong nhiều năm trở lại đây.
TS. Nguyễn Bích Lâm nhận định, sự năng động, vượt khó của cộng đồng doanh nhân; tư duy đột phá, hành động khẩn trương, linh hoạt, đặt hiệu quả chỉ đạo lên trên hết của Chính phủ; sự đồng hành hiệu quả của Quốc hội trong ban hành chủ trương, chính sách... đã thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.
Tuy mục tiêu tăng 6,5% GDP năm 2023 thấp hơn mức tăng 8,02% của năm 2022 nhưng 1% GDP năm 2023 đạt 104,1 nghìn tỷ đồng, cao hơn 9,7 nghìn tỷ đồng so với 1% GDP của năm 2022.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023, TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản phải tăng 3%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,6-8,3%; khu vực dịch vụ tăng 6,5-7%. Đây là các mức tăng không dễ đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung, các nền kinh tế lớn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam dự báo rơi vào suy thoái sẽ tác động rất mạnh tới kinh tế Việt Nam.
Mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm 2023 có tính khả thi nhưng không dễ đạt được. (Ảnh minh họa)
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), năm nay phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, không thể để nền kinh tế thiếu vốn trong khi đầu tư công lại không giải ngân được.
“Tôi tin rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương thì giải ngân đầu tư công sẽ có kết quả tích cực trong năm 2023”, ông Cung nói.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cụ thể là cần đi sâu sát hơn vào những vướng mắc của doanh nghiệp, giảm chi phí cho các nhà đầu tư…
Ngoài ra, theo nguyên Viện trưởng CIEM, cần tạo ra niềm tin trên thị trường, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự để các nhà đầu tư và các bên tin tưởng rằng quyền và lợi ích hợp pháp của họ không bị ảnh hưởng.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra cho năm 2023 là 6,5%, với quy mô GDP tăng từ 916,2-969,7 nghìn tỷ đồng so với năm 2022, tương đương với mức tăng quy mô GDP của năm 2022 so với năm 2021 với tốc độ tăng trưởng 8,02%./.