Đầu tư công là luồng vốn đầu tư rất quan trọng, tác động lớn đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội trong cả ngắn, trung và dài hạn. Tuy nhiên, giải ngân nguồn vốn này đang chậm do nhiều nguyên nhân.
4 nguyên nhân chính
Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là khâu chuẩn bị dự án đầu tư sơ sài, chất lượng kém nên khi triển khai phải liên tục điều chỉnh tổng vốn và các nội dung khác. Mỗi lần điều chỉnh là một lần phải làm lại từ đầu, bao gồm cả xin lại chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư, với những thủ tục hành chính có thể kéo dài nhiều tháng, có khi đến hằng năm trời. Điều này không chỉ làm chậm tiến độ, đội vốn mà còn khiến dự án sau khi hoàn thành bước xin chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư mới thì không còn phù hợp thực tế.
Nguyên nhân thứ 2 là giá nguyên liệu đầu vào trong năm qua tăng rất cao. Các nhà thầu càng làm càng lỗ nên đa phần chần chừ, làm nhỏ giọt để chờ cơ hội điều chỉnh tổng vốn đầu tư.
Nguyên nhân thứ 3 là năng lực nhà thầu yếu kém dẫn đến dự án chậm trễ triển khai, thực hiện.
Nguyên nhân cuối cùng là bởi quy định của pháp luật hiện có nhiều nội dung chồng chéo, không rõ ràng, thực thi đúng theo luật này thì lại vi phạm luật khác nên nhà đầu tư, nhà thầu nản lòng, không quyết liệt triển khai dự án.
Vì những lẽ trên mà có những dự án rơi vào "điểm chết" của khâu ra quyết định, nghĩa là không rõ thẩm quyền, trách nhiệm thuộc về ai. Chưa kể, hiện nay còn tồn tại sự thiếu nhất quán về quan điểm kinh tế thị trường dẫn đến xảy ra câu chuyện một số người đứng đầu né tránh trách nhiệm để tránh rủi ro pháp lý, nhất là trong câu chuyện đấu giá đất.
Bỏ lỡ đầu tư công sẽ rất uổng
Trong ngắn hạn, đầu tư công được coi như một khoản cầu của nền kinh tế. Nền kinh tế đang thiếu cầu, muốn thúc đẩy tăng trưởng thì phải tăng cầu. Trong bối cảnh hiện nay, tăng cầu thông qua tăng đầu tư công là giải pháp dễ và hiệu quả nhất.
Trong trung và dài hạn, triển khai các dự án đầu tư công có ý nghĩa lan tỏa rất lớn. Không chỉ hình thành những công trình hạ tầng quan trọng để tăng kết nối trong nền kinh tế, đầu tư công còn tạo cơ hội đầu tư mới cho các khu vực kinh tế khác và tạo nhiều công ăn việc làm hơn... Nói cách khác, đầu tư công như một khoản đầu tư kéo theo và thúc đẩy các nguồn vốn đầu tư, từ đó huy động thêm nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng
Ngoài ra, trong thời điểm hiện nay, nếu giải ngân được vốn đầu tư công sẽ góp phần quan trọng giúp tăng thanh khoản của nền kinh tế. Chúng ta thường hay ví von nền kinh tế hiện nay một bên là một đập nước rất đầy còn một bên là cánh đồng khô cạn. Nếu mở được van nước để tưới cho cánh đồng khô cạn đang thiếu tín dụng, thiếu thanh khoản thì nền kinh tế sẽ nảy nở, phát triển rất nhanh. Như vậy, giải ngân được vốn đầu tư công không chỉ tác động tích cực đến khu vực thực của nền kinh tế mà còn thúc đẩy dòng chảy về vốn trong nền kinh tế.
Năm 2022, chúng ta đạt tăng trưởng khả quan với 8%. Năm 2023, mục tiêu tăng trưởng 6,5% sẽ đầy thách thức bởi các động lực quan trọng của nền kinh tế như xuất khẩu, cầu trong nước, quy mô sản xuất... đều suy giảm. Trong khi đó, chính sách tiền tệ và tài khóa chắc chắn vẫn được điều hành theo hướng ưu tiên chống lạm phát. Như vậy, dư địa hỗ trợ tăng trưởng cho năm nay sẽ khó khăn hơn những năm trước.
Trong bối cảnh này, đầu tư công nổi lên như một động lực để duy trì tăng trưởng. Chúng ta đang có tiền, có dự án chờ đầu tư, nếu không làm sẽ rất uổng.
Cần làm gì?
Đầu tiên, phải chấp nhận thực tế giá nguyên liệu đầu vào đã tăng lên hàng chục phần trăm, thậm chí 100%. Nhà nước, các cơ quan liên quan phải quyết định ngay việc điều chỉnh tổng mức đầu tư cho dự án đã trúng thầu với mức ít nhất đủ để nhà thầu không thua lỗ. Có thể lấy ngân sách từ nguồn chưa chi tiêu để thực hiện nhiệm vụ này bởi nếu không rốt ráo triển khai thì dự án càng đội vốn lớn, gây lãng phí và phi kinh tế.
Tiếp theo, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để các nhà thầu được giải ngân đủ và kịp thời với khối lượng công việc đã thực hiện. Khắc phục ngay tình trạng "đầu năm thủng thẳng, cuối năm dồn dập" do thói quen chờ đến cuối năm mới triển khai công việc.
Có nhiều dự án đầu tư công rất quan trọng, không thể không đầu tư, ví dụ: dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 - TP HCM, dự án đường Vành đai 4 - TP Hà Nội, các dự án đường cao tốc từ TP HCM về các tỉnh, sân bay Long Thành... Cần tập trung nguồn lực để giải quyết vướng mắc liên quan thủ tục đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Nếu làm được, các dự án sẽ tạo ra năng lực sản xuất rất lớn cho nền kinh tế. Qua đó, TP HCM sẽ thực sự trở thành vùng động lực mạnh mẽ của toàn vùng, là đầu tàu kinh tế của cả nước, không còn bị "xói mòn" như hiện nay.
Nâng cao trách nhiệm người thực thi công vụ là một yêu cầu quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, cần đánh giá công lao, trách nhiệm người đứng đầu dựa trên hiệu quả công việc thay vì dựa trên sự tuân thủ quy định. Nếu có vướng mắc về mặt pháp lý, thể chế thì rõ ràng một người, một cơ quan không thể thực hiện hiệu quả công việc.