Hoài nghi, kinh ngạc, buồn rầu
Theo các chuyên gia, nhà ngoại giao, Mỹ đã giảm bớt vai trò của mình trên trường quốc tế và để trống vị trí lãnh đạo toàn cầu truyền thống trong cộng đồng quốc tế giữa đại dịch COVID-19 .
Quyết định ngừng tài trợ cho WHO - cơ quan giữ vai trò chủ chốt trong công tác điều phối nỗ lực ứng phó toàn cầu trước đại dịch - đã khiến nhiều quan chức y tế thế giới bất ngờ.
Mới đây, Mỹ đã chặn nghị quyết kêu gọi ngừng bắn toàn cầu nhằm hỗ trợ thế giới đang bị tàn phá bởi dịch bệnh của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc. Mỹ không muốn đề cập tới WHO trong văn kiện và khước từ phiên bản thỏa hiệp được đưa ra sau đó (phiên bản mới đã tránh nhắc trực tiếp tới WHO mà thay vào đó chỉ viện dẫn là "cơ quan y tế chuyên trách" của LHQ).
Thông tin do 2 nhà ngoại giao liên quan tới sự việc tiết lộ cho CNN.
Tương tự, Mỹ cũng chặn các hình thức bày tỏ sự đoàn kết toàn cầu tại các cuộc họp G7, G20 vì bất mãn về Trung Quốc và WHO.
Và tại những nơi mà các Tổng thống Mỹ trước đây thường đưa ra tiếng nói trấn an thì các quan sát viên từ châu Á Thái Bình Dương tới châu Âu đều bày tỏ sự hoài nghi, kinh ngạc và buồn rầu trước các cuộc họp báo về COVID-19 của ông Trump, cho rằng những buổi họp báo đã làm tổn hại sâu sắc hình ảnh của Mỹ ở nước ngoài.
Ảnh: Reuters
Vào thời điểm khi mà thế giới đã vượt mốc 4 triệu người nhiễm SARS-CoV-2, các nhà ngoại giao cho rằng nhiều nước đang trông đợi vào sự dẫn dắt cứng rắn của nước Mỹ mà họ từng thấy ở một số khoảnh khắc lịch sử và dịch bệnh trước đây, viện dẫn cách cựu Tổng thống Barack Obama ứng phó với Ebola và nỗ lực của cựu Tổng thống George W. Bush trước HIV/AIDS.
"Họ muốn Mỹ tham gia nhiều hơn nữa", một nhà ngoại giao châu Âu nhận định, "Nhiều nước tin rằng đây là một trong những khoảnh khắc quyết định trong lịch sử và Mỹ luôn dẫn dắt những thời điểm như vậy".
Một số nhà phân tích cho rằng cách chính quyền Trump phản ứng với COVID-19 làm gia tăng sự bất ổn và xói mòn sự tôn trọng dành cho nước Mỹ, cũng như gây lo ngại về khả năng hệ thống quốc tế không còn hoạt động hiệu quả nữa.
"Đó là 1 vấn đề toàn cầu - ảnh hưởng tới toàn thể con người trên hành tinh. Đây là lúc bạn kỳ vọng các nhà lãnh đạo của các cường quốc hỗ trợ phối hợp và định hình phương án ứng phó bằng một hình thức mang tính xây dựng", Robert Yates, giám đốc Chương trình Y tế Toàn cầu của trung tâm Chatham House (Anh) nhận định.
"Người ta có thể kỳ vọng Mỹ giữ vai trò dẫn dắt trong việc điều phối nỗ lực toàn cầu. Điều này hoàn toàn thiếu sót".
Một quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ông Trump "có những lo ngại" về WHO, đồng thời nhấn mạnh nhiều lần rằng Mỹ "là nhà tài trợ nhân đạo và y tế đơn lẻ lớn nhất thế giới"'; Mỹ và "ông Trump đang dẫn dắt nỗ lực chống dịch toàn cầu" thông qua vị trí chủ tịch của Mỹ ở G7.
Nhưng lần này bộ máy ứng phó quốc tế do Mỹ dẫn dắt không hoạt động, Gayle Smith - chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận ONE Campaign đánh giá.
Nhìn chung, bà Smith nhấn mạnh, "chúng tôi không thấy được kiểu hội họp, tính khẩn cấp trong các cuộc họp tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, các nguyên thủ quốc gia cùng nhau tổ chức, tìm ra cách giải quyết, ví dụ như chuỗi cung ứng toàn cầu chẳng hạn".
Sự vắng bóng của nước Mỹ
"Mọi người trên thế giới đang tìm kiếm cùng những loại hàng hóa giống nhau. Làm sao chúng ta có thể đảm bảo kinh tế toàn cầu trụ ở vị trí cần thiết?", bà Smith - vốn là cựu quản lý của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ - đặt ra câu hỏi.
Đề cập tới các cuộc họp trực tuyến của G7 và G20, bà Smith nói, "Tôi muốn thấy Mỹ nỗ lực hơn nữa để điều động thế giới ở nhiều cấp độ".
Một cuộc họp trực tuyến của G20. Ảnh: Reuters
Quan chức Mỹ khẳng định ông Trump thường xuyên họp trực tuyến với các bộ trưởng G7 để điều phối hỗ trợ cho các nước khác, nhưng Nhà Trắng đã bỏ qua các hội nghị quốc tế tập trung bàn thảo tìm vaccine.
Nước Mỹ - vốn thường giữ vai trò đầu tàu hỗ trợ phối hợp trong các cuộc khủng hoảng toàn cầu - đã từ chối nhận ghế trong các cuộc họp trực tuyến quốc tế mà Tổ chức Y tế Thế giới và Liên minh châu Âu EU tiến hành để bàn về công tác điều chế vaccine chống COVID-19.
Bà Smith cho rằng, sự vắng bóng của Mỹ là "thực sự, thực sự không may", không phải chỉ vì Mỹ từng giữ vai trò lãnh đạo trước đây, mà còn bởi Mỹ có lợi ích quốc gia khi tham gia vào nỗ lực thúc đẩy quá trình phát triển vaccine.
"Rõ ràng chúng ta sẽ cần vaccine ở đây... Tôi nghĩ sẽ là sáng suốt và nằm trong lợi ích của chúng ta nếu tham gia vào giai đoạn đầu", bà Smith nói.
Stephen Morrison, giám đốc Trung tâm Chính sách Y tế Toàn cầu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng, "Thật điên rồ và khó chịu khi Mỹ đi con đường riêng và ngồi ngoài cuộc. Mỹ là quốc gia có năng lực tài chính dồi dào nhất, lợi ích cơ bản nhiều nhất và năng lực nghiên cứu và phát triển lớn nhất".
Phản ứng của Mỹ với Trung Quốc vấp phải sự lo ngại
Khi bị chất vấn về việc Mỹ không tham gia các cuộc họp về vaccine, quan chức ngoại giao Mỹ trả lời bằng cách nhấn mạnh số tiền mà Mỹ đã bỏ ra để tài trợ cuộc chiến chống COVID, cũng như những gì nước này đang làm với các tổ chức như Liên minh toàn cầu về Vaccine.
Bộ Ngoại giao Mỹ còn nhấn mạnh, "khi chúng tôi đạt tiến triển trong cuộc chiến toàn cầu chống COVID-19, chúng tôi trông cậy vào các đồng minh và đối tác của mình cùng Mỹ đặt ra những câu hỏi khó nhằn cần Trung Quốc, cũng như WHO trả lời".
Các cựu lãnh đạo thế giới cảnh báo rằng, chính quyền Trump đang đứng trước nguy cơ xa lánh đồng minh khi chính trị hóa đại dịch, nỗ lực buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm và khiến các quốc gia khác phải chọn phe.
Việc Mỹ thúc đẩy trừng phạt Trung Quốc đã khiến các đồng minh bất an. CNN cho rằng, nhiều đồng minh coi hành động của Nhà Trắng như một yêu cầu căng thẳng buộc các nước phải chọn phe và nỗ lực chuyển hướng chú ý trước cách Mỹ phản ứng với đại dịch trong năm bầu cử.
Bình luận về phản ứng của Mỹ với Trung Quốc trên Times, cựu Thủ tướng Anh Theresa May cảnh báo rằng: "Sẽ là sai lầm nếu để cho chuyện này trở thành đường đứt gãy trong quan hệ quốc tế".
Nhà ngoại giao châu Âu cho rằng nhiều nước cảm thấy, "hiện tại, ưu tiên phải là khống chế đại dịch toàn cầu, một việc đòi hỏi nhiều sự hợp tác. Trung Quốc cần phải là một phần của nỗ lực này và WHO phải tham gia... Bất cứ điều gì có thể tác động tiêu cực tới nỗ lực ở thời điểm này đều khiến người ta lo lắng".
Hành động của Tổng thống Mỹ cũng khiến nhiều quan sát viên quốc tế phần nào lo ngại.
Họ cho biết, cảm giác về nước Mỹ như một thế lực bền vững trong thời đoạn biến động đang dần phai mờ, phần lớn là do các cuộc họp báo về COVID-19 của ông Trump, mà Yates gọi là "nỗi xấu hổ lớn".
Thomas Gomart, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, nhận định: Châu Âu đang theo dõi phản ứng của ông Trump đối với đại dịch trong sự kinh ngạc và gọi hành động của ông là "lạ lùng hơn cả tiểu thuyết".
(*) Trên đây là phần lược dịch bài phân tích của CNN về quan hệ quốc tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19.