Dự án xây dựng cầu Vàm Cái Sứt được khởi công vào đầu tháng 10/2020, với mục tiêu góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông trong khu vực, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, dự án được xây dựng cũng sẽ tạo điều kiện để xây dựng hoàn thành tuyến Hương lộ 2.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai, hợp đồng xây dựng cầu Vàm Cái Sứt được ký kết trước đó có tổng thời gian thi công là 530 ngày, tính từ ngày khởi công. Tuy nhiên, do phát sinh một số khó khăn trong quá trình thi công nên tiến độ thi công dự án thời gian qua bị chậm trễ.
Thông tin về tiến độ dự án, ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết, khối lượng đã hoàn thành thi công của dự án hiện rất hạn chế. Trong khi đó, quỹ thời gian hoàn thành theo hợp đồng đã ký kết không còn nhiều.
"Tính đến giữa tháng 10/2021, dự án đã sử dụng hết hơn 400 ngày trong tổng quỹ thời gian 530 ngày theo hợp đồng đã ký kết", ông Ân thông tin.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai, hiện nay, đơn vị thi công đã hoàn thành một số hạng mục dự án xây dựng cầu Vàm Cái Sứt như: Hạ lồng thép cọc khoan nhồi trụ T7, đổ bê tông thân mố M1 và thực hiện đúc cọc trên bãi đúc… Dự án hiện đạt khoảng 21% khối lượng công việc.
Tương tự, dự án xây dựng Hương lộ 2 nối dài được khởi công vào cuối 12/2020, nhưng đến giữa tháng 4/2021, hạng mục đầu tiên của dự án là cầu An Hòa 2 mới chính thức được triển khai thi công và chỉ khoảng 2 tháng sau, dự án lại phải tạm ngưng thi công do nằm trong khu vực cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19, cho đến nay dự án vẫn chưa thể thi công trở lại.
Theo Ban Quán lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai, dự án xây dựng Hương lộ 2 nối dài hiện nay mới chỉ hoàn thành thi công khoảng 10% trên tổng khối lượng chung toàn dự án, nhưng thời gian thi công đã hết 300 ngày trên tổng số 500 ngày theo hợp đồng đã ký kết.
Lý giải về nguyên nhân khiến hai dự án nói trên bị chậm tiến độ, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết, là do gặp phải vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 kéo dài dẫn đến các dự án bị chậm tiến độ.
"Mặc dù các nhà thầu đã nỗ lực duy trì thi công ‘3 tại chỗ’ trong thời gian giãn cách, nhưng khối lượng đạt được của hai dự án vẫn rất thấp, ông Ân cho hay.
Trong khi đó, liên quan đến việc giải phóng mặt bằng tại hai dự án, ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa thông tin, đối với dự án Xây dựng cầu Vàm Cái Sứt, hiện nay vẫn còn vướng mặt bằng của 1 hộ dân với diện tích khoảng 1,5ha.
Để xử lý vướng mắc này, UBND TP. Biên Hòa đã kiến nghị cơ quan chức năng thực hiện thu hồi thông báo thu hồi đất cũ để thành phố có cơ sở ban hành thông báo thu hồi đất mới, từ đó, có cơ sở để triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án. Tuy nhiên, đến nay kiến nghị này vẫn chưa được giải quyết.
Còn với dự án xây dựng Hương lộ 2 nối dài, theo ông Lộc, UBND TP. Biên Hòa đã bàn giao cho chủ đầu tư mặt bằng đoạn tuyến dài khoảng 1,1km trên tổng số 1,5km toàn tuyến. Hiện nay, dự án còn vướng mặt bằng của một doanh nghiệp ở đoạn đầu tuyến và một số hộ dân đoạn cuối tuyến tại địa bàn xã Long Hưng.
"Ở đoạn đầu tuyến, năm 2014, doanh nghiệp đã có đề nghị giao đất và thời điểm đó, chi phí đền bù, hỗ trợ khoảng 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thời gian thực hiện kéo dài, đến nay, sau 7 năm, chi phí đền bù, hỗ trợ đã tăng lên khoảng 26 tỷ đồng nên UBND TP. Biên Hòa đã báo cáo UBND tỉnh hướng dẫn cách tính tiền bồi thường, hỗ trợ. Đối với diện tích của các hộ dân còn vướng ở đoạn cuối tuyến, thì hiện thành phố đang xin chủ trương của UBND tỉnh để làm lại giá bồi thường mới nhằm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng", Phó Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa cho hay.