Ngày 8/4/2024, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch số 125 về đấu giá quyền sử dụng đất năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất 18 khu, thửa đất; với tổng diện tích hơn 470ha, ước tính giá khởi điểm khoảng gần 5.100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kết quả rà soát đến nay chỉ có 1 khu đất tại thị trấn Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) hoàn thành các thủ tục có liên quan.
Huyện Cẩm Mỹ đã và đang thông báo đấu giá lần 2 với giá thời điểm khoảng 8,8 tỷ đồng. Song đến nay cũng chưa có đơn vị đăng ký tham gia đấu giá.
Ông Lưu Văn Sửu – Chủ tịch HĐND huyện Cẩm Mỹ cho biết, từ giai đoạn 2021 đến nay, tỉnh chưa có khu đất nào đấu giá thành công.
Điều này đồng nghĩa với việc tỉnh không khai thác được nguồn thu từ đấu giá đất để phục vụ các dự án trọng điểm trên địa bàn.
Đồng thời, Đồng Nai không đảm bảo tính khả thi về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mà tỉnh đã đề ra.
Ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua, công tác thuê đơn vị tư vấn để định giá đất, làm cơ sở xem xét, phê duyệt giá khởi điểm gặp khó khăn. Nguyên do có ít đơn vị tư vấn tham gia hoặc không tham gia thực hiện tư vấn định giá đất.
Một số khu đất thu hồi của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, chưa cắt cây cao su.
Thêm vào đó, thị trường bất động sản vẫn trong giai đoạn trầm lắng, chưa có dấu hiệu phục hồi nên ít nhà đầu tư quan tâm.
Ông Phi cho rằng, cùng với Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh, chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm, đặc biệt là trong công tác bồi thường, công tác quy hoạch 1/500 cho các khu đấu đấu giá.
Ông Phi cũng đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường xây dựng kế hoạch thực hiện công tác bồi thường, tham mưu tìm đơn vị tư vấn để định giá đất.
Ông Thái Bảo – Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai cho biết, dự kiến đấu giá quyền sử dụng đất năm 2021 là 27.000 tỷ đồng. Đến năm 2022 thì tăng lên 45.000 tỷ đồng tại Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh.
Tiếp theo, đến tháng 9/2023 thì dự kiến đấu giá quyền sử dụng đất điều chỉnh giảm xuống còn 41.564 tỷ đồng (tại Nghị quyết số 24/9/2023, kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh).
3 tháng sau, tháng 12/2023, lại tiếp tục giảm xuống còn 31.277 tỷ đồng. Tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2023, UBND tỉnh lại trình HĐND tỉnh tiếp tục điều chỉnh là giảm xuống còn 29.499 tỷ đồng.
Như vậy, năm nào Đồng Nai cũng có điều chỉnh dự kiến nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất. Nhưng đến, qua nhiều lần điều chỉnh, vẫn chưa có lô đất nào đáu giá thành công suốt từ năm 2021 đến nay.
"6 tháng cuối năm 2024, và bước sang năm 2025, Đồng Nai tiếp tục kỳ vọng, nhưng kết quả như thế nào thì chưa dự báo được", ông Bảo nói.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, đấu giá đất không đạt kỳ vọng vì có nhiều khó khăn, cả khách quan lẫn chủ quan.
Khách quan là do quy định pháp luật có thay đổi. Về mặt chủ quan thì Phó Chủ tịch UBND tỉnh xác định trách nhiệm các sở, ngành, địa phương còn chậm trễ.
Ông Thái Bảo cho rằng, ngoài trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương, còn một nguyên nhân lớn khác là chưa dự liệu, chưa đánh giá hết bối cảnh tình hình.
Dự kiến đấu giá quyền sử dụng đất chưa sát với tín hiệu thực tế của thị trường bất động sản. Vì dự báo không sát thực tế nên Đồng Nai đưa tổng vốn đầu tư công trung hạn là lên quá cao.
"Trong đó việc trông chờ vào khai thác đấu giá quyền xuống đất có thời điểm lên đến 45.000 tỷ đồng, rồi sau đó lại cứ điều chỉnh giảm dần", ông Bảo giải thích.
Với nguyên nhân chủ quan này, Đồng Nai cũng cần đánh giá trách nhiệm cụ thể từ cơ quan tham mưu, cơ quan trình, cơ quan quyết định.
"Trong đó có cả trách nhiệm của HĐND khi quyết định khai thác đấu giá quyền sử dụng đất bằng các Nghị quyết của HĐND tỉnh", Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai nói.
HĐND tỉnh Đồng Nai đề nghị UBND tỉnh tiếp tục nỗ lực, để đấu giá thành công các khu đất. Bởi vì thời gian hoàn thành mục tiêu đầu tư công trung hạn chỉ còn rất ngắn, chừng hơn 1 năm. Trong khi nhiệm vụ còn nhiều khó khăn, dự kiến đấu giá quyền sử dụng đất còn đến hàng chục ngàn tỷ; rồi việc triển khai các công trình, dự án có thể thất thủ được hết các nguồn vốn hay không.
Thêm nữa, quy định Luật Đầu tư công là đầu tư công trung hạn chuyển tiếp sang giai đoạn là 2026-2030 không quá là 20%. "Đây cũng là vấn đề phải tính toán rất là kỹ lưỡng, căn cơ trong thời gian sắp tới", Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai đề nghị.