Khó khăn thời dịch Covid-19
Dịch bệnh Covid-19 hiện đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế trên khắp cả nước. Tại Đồng Nai dù chưa có ca nhiễm Covid-19; nhưng chịu ảnh hưởng chung dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị hạn chế, trì trệ, nhiều doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng vì thiếu nguyên liệu, vốn, nhân lực trình độ chuyên môn cao,… Từ đầu năm đến nay kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn Đồng Nai giảm 13% so với cùng kỳ năm 2019. Điều đó dẫn đến nguồn thu thuế qua công tác hải quan cũng giảm mạnh.
Doanh nghiệp cố gắng sử dụng nguyên liệu trong nước hoặc thị trường khác để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh
Theo đó, từ trước đến nay hầu như nguồn cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp của Đồng Nai vẫn còn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Có hơn 20% kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Đồng Nai là từ thị trường Trung Quốc.
Trong đó 5 ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh là giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ, xơ sợi dệt, máy móc thiết bị và phụ tùng, có những đơn hàng phải nhập nguyên liệu từ Trung Quốc đến 50-70%. Tuy nhiên đến thời điểm này dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc đã giảm nhiệt so với trước đây, nhưng sản xuất vẫn đình trệ, chưa được khôi phục dẫn đến chưa cung cấp đủ nhu cầu nguyên liệu phục vụ các đối tác.
Chuyên gia kinh tế dự báo phải đến cuối quý II, kinh tế Trung Quốc mới ổn định trở lại nên doanh nghiệp tại Việt Nam cần chủ động tìm nguồn nguyên liệu tại Việt Nam hoặc thị trường khác. Không thể trông chờ vào nguồn nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc như xưa nay.
Trước những khó khăn do Covid-19 gây ra, nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai đã và đang xây dựng phương án để có thể tiếp tục vùng vẫy qua thời gian này, chờ dịch Covid-19 nhanh chóng bị đẩy lùi. Trước mắt để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, giữ vững quá trình sản xuất đảm bảo công việc đều cho công nhân.
Nhiều doanh nghiệp đã tìm nguồn nguyên liệu tại Việt Nam hoặc nhiều thị trường khác trên thế giới. Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp cũng tiến hành chuyển đổi hình thức sản xuất để phù hợp với nhu cầu hiện tại nhằm đảm bảo công việc cho người lao động.
Thu hẹp sản xuất kinh doanh để đảm bảo ổn định công việc lâu dài cho công nhân, tránh cung vượt cầu
Các doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, logistics là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn vì dịch Covid-19. Và khó khăn lớn nhất vẫn là nguyên liệu cũng như đầu ra cho hàng hóa nên doanh nghiệp đang cố gắng cân đối lại chi phí, tiết giảm sản xuất, cố gắng “cầm cự”.
Vùng vẫy trong bão dịch
Công ty TNHH thương mại sản xuất Thiên Triều An chuyên sản xuất nước ép hoa quả, nước giải khát. Hiện tại do nguyên liệu ngoại nhập thiếu nên công ty đã dùng trái cây, hoa quả trong nước thay cho hàng nhập nên nguồn nguyên liệu đã được đảm bảo. Ngoài vấn đề về nguyên liệu thì sức tiêu thụ của thị trường cũng đã giảm mạnh dẫn đến dù đáp ứng đủ nguyên liệu nhưng đầu ra cho sản phẩm lại gặp khó khăn.
Theo đại diện công ty này thì doanh số kinh doanh đã giảm tới 30% so với cùng kỳ năm 2019, nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ giảm, đại lý hạn chế nhập hàng nên doanh thu của công ty giảm. Để hạn chế thiệt hại, Thiên Triều An đã tiết giảm bớt dây chuyền sản xuất để hoạt động bền vững, cung cấp hàng hóa đủ ra thị trường và vẫn đảm bảo việc làm cho công nhân.
Nhiều doanh nghiệp chuyển sang may khẩu trang, đồ bảo hộ y tế để cung ứng ra thị trường
Trong khi đó nhiều công ty may mặc tại KCN Biên Hòa II lại quyết định chuyển đổi sản xuất từ may mặc quần áo thời trang sang khẩu trang và đồ bảo hộ lao động. Theo các doanh nghiệp này thì hiện dịch Covid-19 đang phức tạp, nhu cầu về các mặt hàng thời trang của người dân giảm nên chọn cách chuyển một phần sản xuất quần áo sang sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn và quần áo bảo hộ y tế. Việc hợp tác gia công sản phẩm này với doanh nghiệp lớn trong ngành là giải pháp để ổn định sản xuất, vượt qua khó khăn trước mắt.
Trong khi đó ông Minh Hưng đại diện công ty may chăn ga gối Hưng Thịnh Phát cũng cho biết công ty ông chuyên sản xuất, gia công chăn, ga, gối nệm phục vụ trong nước và xuất khẩu. Nguồn nguyên liệu chính của công ty trước đây được nhập khẩu từ ba thị trường đó là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tuy nhiên cả 3 quốc gia này đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nguồn nguyên liệu bị hạn chế. Vì vậy công ty Hưng Thịnh đã đã dùng nguồn nguyên liệu trong nước và thị trường các nước khác để đảm bảo giữ được dây chuyền sản xuất vẫn ổn định.
“Công ty chúng tôi cũng thông báo cho khách hàng về việc thay đổi nguyên liệu, giảm giá thành, sale cho khách hàng để kích cầu tiêu thụ sản phẩm. Thậm chí có những mặt hàng buộc phải hòa vốn để quá trình sản xuất không bị gián đoạn.
Điều này vừa giúp cho công ty đỡ được khó khăn đồng thời công nhân vẫn có việc làm ổn định. Hiện chúng tôi cũng chỉ dự trù được tình hình khoảng vài ba tháng còn nếu dịch bệnh kéo dài, căng hơn thì có nguy cơ khó trụ vững, khó kiểm soát”, ông Minh Hưng chia sẻ.
Làm mọi cách để không ảnh hưởng quá nhiều đến người lao động
Khác với các ngành sản xuất, dù thiếu vốn, nguyên liệu nhưng vẫn có thể hoạt động, cầm cự bằng cách này hay cách khác. Tuy nhiên các ngành dịch vụ dường như “chết đứng” giữa mùa dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh các ngành về giáo dục, văn hóa, du lịch ẩm thực, nhà hàng phải tạm dừng kinh doanh để chống dịch bệnh do virus Corona. Điều này khiến cho doanh số và hoạt động của các đơn vị bị đình trệ, rơi vào cảnh bế tắc hoàn toàn, không biết xoay xở ra sao.
Đại diện một chuỗi trung tâm ngoại ngữ ở TP.Biên Hòa và một số huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cho biết hiện các trung tâm ngoại ngữ đang phải dừng hoạt động. Trung tâm buộc phải bù các khoản lỗ như hàng chục triệu tiền thuê mặt bằng, tiền lương dành cho các nhân viên, giáo viên,… Các trung tâm cũng tìm kiếm các phụ huynh chấp nhận cho con học online để mong muốn gỡ được chút kinh phí trang trải khó khăn mùa dịch tuy nhiên việc dạy online cũng không mấy khả thi.
Còn anh Nguyễn Văn Khương, giám đốc chuỗi cà phê, trà sữa ở huyện Long Thành, Đồng Nai cho biết: Do không được nhận khách tại quán nên quán buộc phải tăng cường hình thức quảng bá online, giao hàng tận nơi. Các quán của gia đình anh buộc phải cho nhân viên nghỉ việc, giảm tối đa nhân viên để bù lại các chi phí khác.
Việc duy trì buôn bán mục đích cũng để trả tiền thuê mặt bằng và bù một số chi phí phát sinh trong quá trình làm ăn do ảnh hưởng của Covid-19.