Doanh nghiệp sản xuất tiếp tục cầm cự
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Đồng Nai, thời hạn cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ sẽ kết thúc vào ngày 22/4. Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai trước đó phải tạm ngừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19 đã bắt đầu tiến hành dọn dẹp, sắp xếp để chuẩn bị tái hoạt động sau thời hạn này.
Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất vẫn duy trì hoạt động bình thường. Tuy nhiên do thiếu nguyên liệu, thiếu lao động nên nhiều doanh nghiệp thời gian qua chỉ hoạt động cầm chừng.
Một quán cà phê ở TP.Biên Hoà đang chuẩn bị mở cửa trở lại sau khi hết lệnh cách ly xã hội
Đại diện của một công ty may ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 cho biết, do ảnh hưởng dịch Covid-19, công ty bị thiếu nguyên liệu nghiêm trọng, đồng thời thực hiện cách ly xã hội nên phải cho công nhân nghỉ luân phiên để duy trì sản xuất. "Hiện công ty đang cố gắng tìm nguồn nguyên liệu trong nước thay cho các thị trường trước đó để đưa toàn bộ công nhân tái trở lại sản xuất như thường lệ", đại diện công ty này nói.
Còn ông Wu Ming Ying, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai cho biết, hiện nay có đến khoảng 60% doanh nghiệp Đài Loan tại Đồng Nai bị ảnh hưởng đến xuất khẩu do dịch Covid-19. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chỉ giảm công suất, giảm giờ làm nhưng vẫn ổn định sản xuất. “Hiện nay, tình hình dịch tương đối đã được khống chế nên chúng tôi cũng an tâm và hy vọng sắp tới việc sản xuất kinh doanh sẽ được khôi phục”, ông Ying nói.
Ông Hoàng Minh - đại diện Công ty may mặc Thiên Minh tại TP.Biên Hòa cho biết, từ đầu tháng 4 đến nay công ty chuyển sang may khẩu trang, đồ bảo hộ để xuất ra thị trường, đáp ứng nhu cầu thực tế. Khi hết hạn cách ly, công ty sẽ trở lại sản xuất hàng thời trang xuất khẩu, ngưng may khẩu trang, đồ bảo hộ.
“Sau khi hết cách ly xã hội, công ty tiếp tục sản xuất nhưng vẫn sẽ tiến hành đo thân nhiệt, áp dụng giãn cách công nhân, cung cấp cồn khử trùng, rửa tay… để đảm bảo an toàn”, ông Minh nói thêm.
Các dịch vụ khởi động lại
Trong khi các ngành sản xuất phần nhiều bị ảnh hưởng gián tiếp vì vẫn được hoạt động, ngành dịch vụ lại chịu ảnh hưởng trực tiếp khi phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian dài. Vì vậy, trước thời điểm tái kinh doanh nhiều doanh nghiệp rất phấn khởi, sắp xếp lại mọi thứ để sẵn sàng hoạt động.
Đo thân nhiệt cho công nhân trước khi vào làm việc tại Công ty TNHH Great Kingdom Biên Hòa
Chị Hoàng Thùy Minh - giám đốc chuỗi cửa hàng 12 quán cà phê tại Đồng Nai chia sẻ, từ khi thực hiện Chỉ thị 16, hệ thống cà phê của chị chuyển qua kinh doanh online, giao hàng tận nơi. Công ty phải giảm hầu như toàn bộ nhân viên chỉ giữ lại 1 nhân viên pha chế và 2 nhân viên giao hàng. “Nghe nói tỉnh Đồng Nai dự kiến hết 22/4 là hết hạn cách ly xã hội nên tôi đã giao cho các quản lý cửa hàng gọi nhân viên đến dọn dẹp, sắp xếp lại quán chuẩn bị mở hàng. Tôi nghĩ nếu còn tiếp tục ngừng kinh doanh sợ sẽ khó trụ nổi. Để duy trì 12 quán, mỗi tháng tiền mặt bằng thôi đã mất mấy trăm triệu, không có khoản thu, thật là khó khăn lắm”, chị Minh chia sẻ.
Còn anh Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc 1 nhà hàng ăn uống tại TP.Long Khánh cho biết, nhà hàng của anh đã bắt đầu dọn dẹp để chuẩn bị hoạt động trở lại sau hơn nửa tháng nghỉ dịch Covid-19. Anh Tuấn nói kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam thì khách đến quán giảm khoảng 40%. Từ đầu tháng 4 đến nay, nhà hàng phải tạm dừng kinh doanh, đóng cửa nên không có nguồn thu nhưng vẫn phải đóng nhiều khoản phí, mặt bằng.
“Cà phê, đồ uống hay các quán ăn nhỏ họ còn bán online được, chứ quán tôi chẳng dám bán vì thức ăn mang về có nhiều món sẽ không ngon nữa, sợ mất uy tín nên chấp nhận đóng cửa. Tôi mong hết hạn cách ly lần này nhà hàng sẽ được hoạt động trở lại nếu không nguy cơ phá sản sẽ rất cao. Hiện tại tôi cũng đã cho nhân viên đến dọn quán, sắp lại bàn ghế để đến 23/4 có thể hoạt động lại”, anh Tuấn nói.
Trong khi đó hệ thống các siêu thị lớn, mini vẫn đang kích thích người dân mua sắm online bằng hình thức vận chuyển miễn phí quãng đường ngắn, hoặc thu phí rất rẻ, hạn chế việc ra đường, tập trung đông vào mùa dịch.