UBND tỉnh Đồng Nai vừa cho biết, từ tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho thấy, trong danh mục thu hồi đất năm 2022 cho 349 dự án, với tổng diện tích 5.356ha và diện tích cần thu hồi khoảng 4.146ha.
Các dự án nói trên thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: Xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, đường giao thông, công trình thủy lợi… Trong đó, có nhiều dự án được các địa phương đưa vào danh mục đã được HĐND tỉnh thông qua từ 3 năm trở lên; có dự án đã ban hành quyết định thu hồi đất hoặc đang thực hiện thủ tục thu hồi đất, chưa thực hiện nhưng muốn tiếp tục chuyển tiếp để triển khai.
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Đồng Nai, ý kiến của đại diện các sở ngành cho rằng, những dự án đưa vào danh mục năm 2022 phải đảm bảo vẫn còn thời gian thực hiện theo quy định, những dự án đã quá 3 năm rà soát lại, loại bỏ bớt vì theo quy định dự án quá 3 năm không triển khai phải thu hồi, nếu không thu hồi cũng tự hết hiệu lực.
Đặc biết, nếu dự án đã quá 3 năm nhưng đang thực hiện thủ tục thu hồi đất, có quyết định thu hồi đất đưa vào danh mục thực hiện 2022, thì các huyện, thành phố phải có giải trình rõ ràng, cụ thể với HĐND tỉnh.
Về vấn đề này, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, đã có chỉ đạo các địa phương phải rà soát lại tất cả các dự án đề xuất đưa vào danh mục năm 2022 một lần nữa, nếu dự án nào quá thời hạn không thể triển khai được thì bỏ ra, tránh đưa vào danh mục cũng sẽ bị HĐND tỉnh loại.
Theo ông Phi, các dự án đưa vào danh mục của năm tới phải nằm trong danh sách đầu tư công của địa phương, của tỉnh để làm được, tránh đưa vào nhiều nhưng lại không thực hiện sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
"Đến ngày 17/11 tới đây, các địa phương phải hoàn thành rà soát danh mục các dự án năm 2022 để gửi Sở TN&MT tổng hợp, trình HĐND tỉnh thẩm định trước", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã yêu cầu rà soát lại quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 và dự kiến sẽ hủy kế hoạch sử dụng đất của 535 dự án với diện tích hơn 4.600ha.
Theo đó, từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã hủy kế hoạch sử dụng đất của 203 dự án nằm tại các huyện, TP. Biên Hòa và TP. Long Khánh. Tổng diện tích các dự án bị hủy kế hoạch những năm qua khoảng 900ha.
Hiện, các địa phương kết hợp cùng các sở, ngành của tỉnh rà soát lại quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025.
Nhiều thay đổi trong quy hoạch sử dụng đất
Tại TP. Biên Hòa, theo Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, đây là địa phương có diện tích đất tự nhiên khoảng 26.362ha, trong đó gồm 7.804ha đất nông nghiệp và gần 18.558ha đất phi nông nghiệp. Dù vậy, qua thống kê kết quả thực hiện chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 cho thấy, TP. Biên Hòa còn 1.750ha đất nông nghiệp chưa chuyển đổi, cho nên việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp còn chậm.
Theo Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, nguyên nhân dẫn đến sự chậm trể này chủ yếu là do nhiều dự án trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đã quy hoạch nhưng chưa triển khai hoặc tiến độ kéo dài, dẫn đến việc chuyển mục đích đất nông nghiệp không hoàn thành so với quy hoạch.
"Đặc biệt, đất nông nghiệp chuyển mục đích sang đất thương mại, dịch vụ thấp hơn so với quy hoạch là 410ha. Do đó, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển thương mại, dịch vụ chưa hiệu quả", Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai nhận định.
Thông tin với báo giới về vấn trên, ông Lê Văn Tân, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật TN&MT - Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai (đại diện đơn vị tư vấn) cho biết, trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020, TP. Biên Hòa được duyệt triển khai 1.167 dự án với tổng diện tích 10.337ha, nhưng đến cuối năm 2020 chỉ có 203 dự án hoàn thành, 450 dự án đang triển khai, 301 dự án chưa triển khai và 213 dự án không tiếp tục thực hiện.
Theo ông Tân, về cơ bản thì quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đảm bảo việc bố trí quỹ đất cho phát triển của các ngành, các lĩnh vực và kiểm soát được chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất để cân đối, điều hòa cho phù hợp. Bên cạnh đó, tồn tại một số hạn chế là TP. Biên Hòa chưa phối hợp chặt chẽ với các ngành trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dẫn đến dự báo nhu cầu sử dụng đất còn thiếu chính xác, quỹ đất quy hoạch có lĩnh vực thiếu, có lĩnh vực lại thừa. Việc này ảnh hưởng đến chuyển mục đích sử dụng nông nghiệp sang đất khác để thực hiện các dự án.
"TP. Biên Hòa có tốc độ đô thị hóa nhanh, ít người dân còn sản xuất nông nghiệp vì lợi nhuận thấp hơn nhiều so với kinh doanh. Đất nông nghiệp còn nhiều, chưa chuyển mục đích sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp để thực hiện các công trình, dự án, phát triển sản xuất, kinh doanh sẽ ảnh hưởng lớn đến tốc độ phát triển kinh tế của địa phương", Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật TN&MT tỉnh Đồng Nai cho hay.
Đối với TP. Long Khánh, theo thống kê của Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, hiện trạng sử dụng đất đến năm 2020 có gần 16.188ha đất nông nghiệp và hơn 3.110ha đất phi nông nghiệp. Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, TP. Long Khánh sẽ giảm gần 4.600ha đất nông nghiệp để chuyển mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp. Trong đó, chuyển sang đất ở hơn 1.300ha, đất phát triển hạ tầng trên 1.200ha, đất khu công nghiệp và cụm công nghiệp hơn 360ha, đất thương mại dịch vụ hơn 780ha, đất vui chơi giải trí gần 370ha...
Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2030, TP. Long Khánh sẽ triển khai khoảng 586 dự án với tổng diện tích đất gần 6.900ha. Trong đó, có 426 dự án có diện tích 2.454ha chuyển tiếp từ quy hoạch sử dụng đất kỳ trước qua và 160 dự án bổ sung mới diện tích 4.431ha.
Ngoài ra, TP. Long Khánh cũng dự tính đến năm 2025 đạt đô thị loại II và phát triển theo hướng "Xanh - văn minh - an toàn - hiện đại". Năm 2020, dân số của thành phố gần 158.000 người, khả năng đến năm 2025 sẽ tăng lên 200 - 500 ngàn người.