Cúm gia cầm diễn biến phức tạp
Trên thực tế, tại Việt Nam đến nay đã xuất hiện 16 ổ dịch cúm gia cầm. Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hai địa phương có tổng đàn gia cầm lớn nhiều nhất cả nước, đã liên tục có những phương án cụ thể để phòng chống dịch.
Đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch giữ an toàn cho đàn gia cầm
Tại tỉnh Đồng Nai, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc với các sở, ngành, địa phương về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tại tỉnh này. Dù hiện tại tỉnh chưa xuất hiện ổ dịch gia cầm nào, nhưng do được xem là thủ phủ chăn nuôi của cả nước, với tổng đàn gia cầm khoảng trên 26 triệu con, nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh khá cao.
Ngành chức năng lo lắng rằng, do người chăn nuôi gia cầm đang rơi vào bi kịch mất giá, nên nhiều hộ khá lơ là việc phòng chống dịch vì vậy Đồng Nai có chủ trương tuyên truyền vận động bà con chung tay phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng dịch đầy đủ cho gia cầm.
Đồng thời Chi cục chăn nuôi - thú y Đồng Nai còn dự phòng 1 triệu liều vaccine phòng dịch cúm gia cầm, đảm bảo nguồn cung cho người chăn nuôi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu các địa phương tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch. Ngành nông nghiệp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, chỉ đạo các địa phương. Các huyện rà soát lại, tập trung cho công tác chỉ đạo, củng cố các đội phản ứng nhanh tại các xã để luôn chủ động ứng phó với dịch bệnh, tăng cường giám sát các khu vực có nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao. Bên cạnh đó cũng bắt buộc phải đảm bảo nguồn vaccine phòng, chống dịch đầy đủ cho người chăn nuôi.
Người dân phải chủ động tiêm phòng đảm bảo an toàn chuồng trại
Ông Nguyễn Văn Minh, chủ trại nuôi gà tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai cho biết, thường các hộ chăn nuôi nhận được vaccine phòng dịch do Nhà nước hỗ trợ vào 2 đợt đầu năm và cuối năm.
“Đợt này giá đang khá thấp, tình hình dịch bệnh dù đã có vaccine hỗ trợ để bảo vệ đàn gà nhưng chúng tôi vẫn khá lo lắng. Mong là tất cả người chăn nuôi, chính quyền địa phương cùng chung tay phòng chống dịch bệnh để đảm bảo an toàn. Mất giá mà gặp dịch nữa chắc chúng tôi lại kiệt quệ”, ông Minh chia sẻ.
Chủ động phòng chống dịch
Còn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng là địa phương có đàn gia cầm lớn khoảng 5,4 triệu con, tập trung nhiều ở các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, thị xã Phú Mỹ,… tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng phức tạp nên tỉnh cũng tăng cường các phương án phòng chống dịch.
Tình này đã tuyên truyền, tập huấn công tác phòng chống dịch đến người chăn nuôi, in 20.000 tờ rơi có nội dung thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên thế giới, trong nước và trong tỉnh để mọi người chăn nuôi biết và chủ động phòng, chống.
Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện tốt công tác phòng chống dịch
Tỉnh tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho hệ thống thú y cơ sở và lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch... Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện các công tác phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học; hướng dẫn xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi, nuôi an toàn dịch bệnh.
Thực hiện tiêm phòng, giám sát sự lưu hành vi rút gây bệnh tại các cơ sở, hộ chăn nuôi, các chợ buôn bán gia súc, gia cầm hoặc từ những động vật ốm, chết không rõ nguyên nhân bằng hình thức lấy mẫu xét nghiệm định kỳ và đột xuất cũng như thường xuyên theo dõi và thống kê số lượng đàn vật nuôi để có biện pháp quản lý và giám sát đối với từng vùng, từng khu vực,…
Thị xã Phú Mỹ có tổng đàn gia cầm trên 1,2 triệu con với 37 cơ sở chăn nuôi gia cầm, quy mô từ 1.000 đến 20.000 con/lứa và 2.246 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đây là địa phương giáp với huyện Long Thành, Đồng Nai nên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm,… tránh nguy cơ tăng nhiễm cúm gia cầm.
UBND TX.Phú Mỹ đã yêu cầu các xã, phường tăng cường tuyên truyền đến người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh tiêu độc, sát trùng chuồng trại, phương tiện vận chuyển; khai báo ngay cho thú y cơ sở hoặc UBND xã, phường khi phát hiện đàn gia cầm có hiện tượng bệnh cúm,. Đồng thời thực hiện đồng bộ giải pháp chống dịch, khoanh vùng bao vây ổ dịch, xử lý tiêu hủy, không để dịch lây lan.
Còn tại huyện Xuyên Mộc, nơi có khoảng 780.000 con gia cầm với 44 trang trại hiện công tác phòng chống dịch cũng được quan tâm chú trọng đặc biệt. UBND huyện Xuyên Mộc đã chỉ đạo Trạm thú y cùng Phòng Nông nghiệp huyện phối hợp vận động bà con nông dân thực hiện tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, thực hiện 3 đợt/năm.
Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, triển khai kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm 2 lần/năm và tiêm bổ sung hàng tháng cho đàn gia cầm sót lại, đẩy mạnh tuyên truyền về kỹ thuật chăn nuôi, quy trình thực hành chăn nuôi, quy trình phòng bệnh và các chính sách hỗ trợ của nhà nước về vắc xin trong ngành chăn nuôi