Hiện Đồng Nai quy hoạch 27 cụm CCN để di dời, mời gọi các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào đầu tư. Tuy nhiên, đến nay mới có 18 CCN được thành lập và trong đó có nhiều CCN đang gặp khó khăn về bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất để làm hạ tầng.
Trong đó, nguyên nhân chính là do giá đất bồi thường bị đẩy lên quá cao, gấp 1,5-3 lần so với trước đây, nhiều nhà đầu tư lo vốn bỏ ra đầu tư hạ tầng CCN không hiệu quả. Thế nhưng, các doanh nghiệp làm hạ tầng cũng khó rút lui khi vốn đã đổ vào các dự án hạ tầng CCN không ít.
Theo các doanh nghiệp, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng CCN được giao cho các địa phương phối hợp với chủ đầu tư để thực hiện. Trong gần 3 năm qua, giá đất tại Đồng Nai tăng khá cao, có nơi tăng 2-8 lần, do đó, người dân bị thu hồi đất cho các CCN yêu cầu tiền bồi thường phải tương ứng với giá thị trường. Giá đất ngoài thị trường ở Đồng Nai nhiều nơi đã bị đẩy cao hơn nhiều so với giá trị thực, vì thế các địa phương không thể xây dựng giá bồi thường ngang với giá chuyển nhượng ngoài thị trường. Việc này dẫn đến nhiều hộ dân không đồng tình giao đất khiến dự án kéo dài.
Theo đại diện Huyện Trảng Bom, huyện có CCN Sông Trầu rộng hơn 30ha đang gặp khó khăn trong việc thu hồi đất để thực hiện. Thời gian qua, do giá đất bồi thường tăng quá cao, chủ đầu tư tính toán nếu đầu tư xong, hiệu quả đồng vốn bỏ ra không cao nên đã xin rút khỏi dự án. Vì thế, huyện đang mời gọi nhà đầu tư hạ tầng khác.
Theo đai diện Sở Công thương, những vướng mắc liên quan đến đất đai của các CCN không riêng Đồng Nai mà nhiều tỉnh, thành khác cũng bị tương tự. Vì thế, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành Nghị định để tháo gỡ khó khăn về đất đai cho CCN và một số lĩnh vực khác. Tỉnh đang chờ nghị định trên được ban hành sẽ căn cứ vào đó thực hiện, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư hạ tầng CCN.