Tái đàn - bài toán khó
Đến thời điểm này, thủ phủ chăn nuôi heo Đồng Nai cơ bản đã khống chế được dịch tả heo Châu Phi. Toàn tỉnh không xuất hiện ổ dịch mới, tạo động lực cho nhiều trang trại chăn nuôi muốn tái đàn, sớm vực lại nguồn lực kinh tế, chi trả số nợ nần cũ đang ứ đọng.
Tất cả các trang trại đều bị kiểm soát chặt chẽ việc tăng đàn.
Tuy nhiên, ngành chức năng vẫn khuyến cáo người chăn nuôi không chủ quan trong công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trong việc tái đàn, tránh “tiền mất tật mang”.
Hiện việc tái đàn vẫn chưa được khuyến khích và ngành chức năng cũng theo dõi chặt chẽ, những hộ, trang trại chăn nuôi nào đảm bảo an toàn sinh học mới được phép tái đàn.
Theo ghi nhận của phóng viên, đến thời điểm này, nhiều cơ sở chăn nuôi đã bắt đầu tái đàn trở lại nhưng chủ yếu việc tái đàn diễn ra ở các công ty chăn nuôi lớn. Còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hiện vẫn đang e dè việc tái đàn. Nhiều người cho biết bản thân họ cũng muốn làm liều; nhưng lo sợ dịch bệnh tái phát trở lại, tiếp tục trắng tay. Vì hiện con giống cũng khá khan hiếm và giá cao.
Cụ thể, đến thời điểm này, các công ty lớn như C.P, An Co, Phú Sơn,… đã bắt đầu thực hiện tái đàn tuy nhiên vẫn xem xét kỹ nhiều vấn đề và vẫn đảm bảo tốt an toàn cho đàn heo.
Tại công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), hiện đang là một trong những doanh nghiệp có quy mô tổng đàn heo lớn của Đồng Nai. Doanh nghiệp này cũng đang nỗ lực khôi phục đàn heo và doanh nghiệp này khá chú trọng việc tái đàn nái để cung cấp con giống. Có nhiều trang trại nuôi gia công cho doanh nghiệp này đã tổ chức tái đàn, đến nay nhiều trại đã qua 60 ngày tái đàn, vẫn hoạt động ổn định, chưa bị tái phát dịch.
Kiểm soát việc tái đàn
Trong khi đó các trang trại nhỏ lẻ lại e dè tái đàn vì không có nguồn lực kinh tế đồng thời e ngại vì sợ thất bại khi tái đàn.
Ông Nguyễn Văn Hinh, chủ trang trại heo tại huyện Thống Nhất cho biết hiện tổng đàn nái của doanh nghiệp có trên 2.300 con, tổng đàn thịt khoảng 40.000 con, giảm 15% so với trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi. Doanh nghiệp này cũng đang nỗ lực khôi phục lại tổng đàn heo.
“Dịch tả heo châu Phi xảy ra nhiều ở những nơi có mật độ chăn nuôi dày, nhất là tập trung đông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Khi cho tái đàn, các địa phương phải lưu ý đến khoảng cách an toàn giữa các trại đồng thời cũng phải xem xét mức độ thế nào, tránh nguy cơ dịch bệnh lây lan. Hiện các địa phương của Đồng Nai đã qua 30 ngày không tái phát dịch tả heo châu Phi là điều đáng mừng nhưng chúng tôi nghĩ tái đàn vẫn phải e dè cẩn trọng” - ông Hinh chia sẻ.
Hiện tỷ lệ tăng đàn vẫn chưa cao
Còn bà Nguyễn Thị Phương, hộ chăn nuôi tại huyện Cẩm Mỹ - cho biết: Trước đây trang trại của gia đình bà mỗi đợt nuôi khoảng 5000 con heo thịt. Tuy nhiên, sau khi dính dịch đến nay, thì gia đình bà vẫn chưa dám tái đàn. “Cũng muốn tái đàn vì nghề chăn nuôi mà không chăn nuôi thì biết sao được tuy nhiên vẫn sợ hãi nếu dịch tái phát lại coi như mất hết. Hiện nay chỉ mong mọi thứ sớm đi vào ổn định để người chăn nuôi chúng tôi sớm vực lại chăn nuôi, ổn định cuộc sống. Cũng mong giá thành con giống sẽ rẻ, được nhà nước hỗ trợ sau dịch thì tốt hơn” - bà Phương nói.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ - cho biết: Hiện đa số các hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ trên địa bàn huyện vẫn chưa dám tái đàn do nhiều nguyên nhân như chủ trương của địa phương là không đủ điều kiện thì không tái đàn đồng thời hiện giá con giống cũng quá cao cũng khiến người chăn nuôi e dè. Hiện đã hết dịch tả heo châu Phi nhưng địa phương đánh giá khả năng tái phát của dịch tả heo châu Phi vẫn rất lớn nên tập trung chỉ đạo công tác tiêu độc, khử trùng và thực hiện các biện pháp sinh học trong chăn nuôi.
“Việc tái đàn heo trong năm 2020 được địa phương làm rất chặt chẽ. Cụ thể, qua khảo sát chỉ những cơ sở đủ điều kiện của ngành chăn nuôi thì mới cho tái đàn và phải thực hiện nghiêm túc việc đăng ký tái đàn”, ông Thắng nói.
Người chăn nuôi gặp khó khăn nhiều về vốn, con giống
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cũng đã yêu cầu các địa phương khẩn trương thực hiện việc công bố hết dịch trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi, doanh nghiệp trong việc cung cấp heo ra thị trường.
Tuy nhiên, công tác kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển động vật vẫn phải thực hiện nghiêm túc, không để xảy ra vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép. Các địa phương vẫn phải nghiêm túc thực hiện tháng tiêu độc, khử trùng; không lơ là trong công tác phòng, chống dịch; chỉ cho phép các cơ sở đủ điều kiện và đảm bảo an toàn sinh học tái đàn.
Giám đốc Sở NNPTNT Huỳnh Thành Vinh khẳng định: Tuy dịch tả heo châu Phi đã được khống chế nhưng các địa phương phải thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc tái đàn.