Đây là một trong những nội dung chính được nhiều doanh nghiệp trao đổi tại Hội nghị gặp gỡ đối thoại với doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2024, do UBND tỉnh tổ chức ngày 28/3.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai cho biết, thời gian qua, tỉnh có nhiều văn bản yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động ngoài khu, cụm công nghiệp di dời vào các khu, cụm công nghiệp. Thời gian bắt đầu từ năm 2023 đến năm 2025.
Ông Hưng kiến nghị, UBND tỉnh phải thành lập cụm công nghiệp mới, có đất sạch, cơ sở hạ tầng thuận lợi để doanh nghiệp di dời thuận lợi và nhanh chóng.
Cụm công nghiệp cần được bố trí ở những vị trí thuận lợi, phù hợp với ngành nghề, để doanh nghiệp tận dụng được nguồn lao động và phù hợp điều kiện sản xuất.
UBND tỉnh cũng cần xem xét mỗi huyện, thành phố phải có từ 1-2 cụm công nghiệp cho doanh nghiệp trong diện phải di dời có điều kiện lựa chọn.
Theo ông Hưng, tình hình sản xuất kinh doanh 3 năm vừa qua hết sức khó khăn. Nguồn lực tài chính doanh nghiệp gần như cạn kiệt. Nhiều doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng.
Do đó, doanh nghiệp cần thêm thời gian để có thể di dời. Nếu tình hình kinh tế tốt lên trong 2024, doanh nghiệp cần ít nhất 3 năm tới để ổn định sản xuất và tích lũy nguồn lực.
Sau đó, doanh nghiệp vừa ổn định sản xuất, vừa di dời từng bước. Quá trình này sẽ mất từ 2-3 năm nữa (tùy qui mô doanh nghiệp).
"Như vậy, để đạt mục tiêu vừa ổn định sản xuất, vừa di dời thì doanh nghiệp cần ít nhất 5 năm", ông Hưng nói.
Ông Phạm Đức Bình, đại diện Công Ty TNHH Thanh Bình ở phường Long Bình, TP.Biên Hoà cho biết, doanh nghiệp ủng hộ chủ trương di dời.
Chính sách di dời khỏi KCN Biên Hòa 1 đã có chủ trương đến năm 2025. Tuy nhiên, đến nay tỉnh chưa có chính sách đền bù rõ ràng.
Các doanh nghiệp cũng đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ giảm tiền thuê đất, kinh phí di dời và các chính sách ưu tiên khác, nhất là các doanh nghiệp phải di dời, ông Bình chia sẻ.
Ông Trần Vũ Hoài Hạ - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh không khuyến khích sản xuất công nghiệp ngoài khu cụm công nghiệp.
Tuy nhiên, tốc độ đầu tư các cụm công nghiệp đang khá chậm. Vì thế mới nổi lên vấn đề là doanh nghiệp không được sản xuất công nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp thì sẽ sản xuất ở đâu, mặt bằng sạch ở đâu.
Hiện tỷ lệ lấp đầy tại các KCN trên địa bàn tỉnh đạt 85%. Số lượng đất trống còn lại không nhiều. Quỹ đât này cũng không phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì giá thuê đất cao.
Tình hình kinh tế khó khăn cũng ảnh hưởng đến năng lực tài chính của các chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.
Thêm nữa, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các khu, cụm công nghiệp còn gặp nhiều hạn chế. Trong khi việc lựa chọn lại nhà đầu tư mới lại tốn thơi gian và thủ tục.
Ông Hạ cho biết, Nghị định 32 của Chính phủ vừa ban hành về phát triển khu cụm công nghiệp có quy định đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về cụm công nghiệp cho địa phương.
Đây sẽ là lối mở giúp địa phương lựa chọn nhà đầu tư các khu cụm công nghiệp, và hi vọng tiến độ sẽ tốt hơn trong thời gian tới.
Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đang xây dựng kế hoạch để có giải pháp với các doanh nghiệp đang gây ảnh hưởng đến khu dân cư.
"Tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi di dời. Đồng thời có chính sách hỗ trợ người lao động đang làm việc tại KCN Biên Hòa 1 khi các doanh nghiệp phải di dời", ông Hạ chia sẻ.