Đối với một địa phương có thế mạnh về phát triển công nghiệp, thì Đồng Nai cần phải nỗ lực cải thiện sức hút để tiếp tục đóng góp vai trò vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Vuột mất dự án tỷ đô
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, năm 2022 tỉnh này thu hút FDI đạt 1,15 tỷ USD. Nhìn lại trước đó, năm 2019 tỉnh Đồng Nai thu hút được 2,3 tỷ USD. Con số này giảm xuống 1,45 tỷ USD vào năm 2020 và tiếp tục giảm xuống còn 1,3 tỷ USD vào năm 2021. Vào cuối năm 2022, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) tổ chức khởi công nhà máy tại tỉnh Bình Dương với tổng mức đầu tư là 1 tỷ USD. Đáng nói, sau 3 năm chờ đợi nhưng không có diện tích đất công nghiệp lớn ở Đồng Nai để thuê nên Tập đoàn Lego đã dời dự án về Bình Dương.
Không chỉ để vuột mất một dự án tỷ đô, tỉnh Đồng Nai cũng bỏ lỡ nhiều dự án FDI khác đến từ các quốc gia của châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản có vốn đầu tư từ vài chục đến hàng trăm triệu USD. Ông Nguyễn Hữu Nguyên – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai lý giải, nguyên nhân của việc thu hút FDI giảm một phần đến từ việc các quy định của pháp luật còn chồng chéo, điều này không chỉ xảy ra tại Đồng Nai mà là tình hình chung của cả nước.
Các khu công nghiệp tại Đồng Nai hiện gần như đã lấp đầy. (Ảnh: Duy Phương)
Một khó khăn nữa được ông Nguyên chỉ ra là một số dự án đã được cấp chủ trương đầu tư nhưng việc giao đất cho nhà đầu tư khó khăn do có một số kết luận của các cơ quan chức năng, đặc biệt kết luận của kiểm toán, dẫn đến việc triển khai của nhà đầu tư bị ảnh hưởng. Thời gian tới, tỉnh sẽ có các giải pháp tháo gỡ các khó khăn này.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên cho biết: "Một mặt kiến nghị với Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương phối hợp để tháo gỡ những khó khăn về kiến trúc thượng tầng, các quy định về pháp luật. Mặt khác, tỉnh sẽ rà soát lại tất cả các dự án đầu tư, kể cả các khu vực được quy hoạch để đảm bảo các nhà đầu tư đến là có thể đầu tư ngay, tránh tình trạng chờ đợi".
Tháo điểm nghẽn hạ tầng
Tại tỉnh Đồng Nai, các dự án được đầu tư nước ngoài chủ yếu là trong các khu, cụm công nghiệp. Hiện Đồng Nai quy hoạch đến 40 khu công nghiệp (một số mới được bổ sung). Trong đó, có 32 khu công nghiệp được thành lập, 31 khu đã đi vào hoạt động với tỷ lệ quỹ đất sử dụng khoảng 85%. Phần còn lại chủ yếu nhỏ lẻ, rất hạn chế đối với nhà đầu tư cần quỹ đất lớn. Đây là điểm yếu khiến việc trải thảm chào đón doanh nghiệp không hấp dẫn. Sự hạn chế quỹ đất cho thuê trong các khu công nghiệp đang là rào cản đối với các nhà đầu tư.
Ông Phạm Văn Cường – Phó trưởng ban phụ trách, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, các khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai hầu như đã lấp đầy, vừa qua Thủ tướng đã chấp thuận bổ sung thêm vào quy hoạch 8 khu công nghiệp mới với diện tích khoảng 8.000 ha, song đến nay vẫn chưa xây dựng được.
Đồng Nai cần thúc đẩy làm hạ tầng các khu công nghiệp để tạo điều kiện thu hút FDI. (Ảnh: Duy Phương)
Theo ông Cường: "Nhiều nhà đầu tư hỏi về quỹ đất, tuy nhiên hiện nay quỹ đất của Đồng Nai không còn nhiều, chủ yếu là các nhà xưởng cho thuê. Ban quản lý tham mưu cho tỉnh chỉ đạo công ty kinh doanh hạ tầng để rà soát lại quỹ đất để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, tuy nhiên việc này không thể nào sớm được".
Trong bối cảnh thu hút FDI vào tỉnh Đồng Nai đang tụt lại so với các tỉnh lân cận, Đồng Nai đang gấp rút phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh việc hoàn tất thủ tục thành lập các khu công nghiệp mới được Thủ tướng phê duyệt.
Về phía địa phương, bà Nguyễn Thị Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: "8 khu công nghiệp hiện đang đẩy mạnh thủ tục. Sau khi xong thủ tục thì tỉnh sẽ đẩy mạnh tiếp công tác giải phóng, đền bù. Đây là khâu khó nhất, cho nên tập trung vào khâu này thì sẽ đi nhanh vào hoạt động của các khu công nghiệp mà sắp tới được quy hoạch".
Thời gian để các doanh nghiệp làm hạ tầng cho các khu công nghiệp sớm nhất cũng phải mất 2 năm. Do đó, khả năng trong năm 2023, tỉnh Đồng Nai cũng khó có đột phá trong thu hút đầu tư FDI. Trong thời gian chờ đợi, tỉnh Đồng Nai cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…để gia tăng giá trị, đón đầu làn sóng đầu tư mới.