Đi đầu về quan trắc tự động
Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp, với rất nhiều doanh nghiệp đang hoạt động; do đó, tổng lượng nước thải phát sinh thực tế tại Đồng Nai lên đến con số khoảng 120.600m3/ngày.
Vì vậy, để giám sát việc xả thải của các doanh nghiệp cũng như hạn chế việc lén xả thải, gây ô nhiễm. Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện nhiều biện pháp để giám sát môi trường. Ngoài việc sử dụng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp (bắt buộc phải có thiết bị giám sát nước thải tự động), hiện các doanh nghiệp có nguồn xả thải trên 1.000 m3/ngày, buộc phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải. Hệ thống này sẽ kết nối trực tiếp với Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) để giám sát 24/24 giờ.
Giám sát doanh nghiệp bằng hệ thống quan trắc tự động
Hiện có khoảng 1.223 doanh nghiệp đã thực hiện đấu nối hệ thống xử lý nước thải về khu xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp, với lưu lượng nước thải phát sinh khoảng 91.100m3/ngày. Còn lại 51 doanh nghiệp tự xử lý nước thải theo quy định.
Trong đó, 35 doanh nghiệp xả thải theo giấy phép xả thải với lưu lượng khoảng 29.300m3/ngày. Và để thực hiện theo yêu cầu của tỉnh Đồng Nai , đã có 25/25 khu công nghiệp có đủ lượng nước thải vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung đều đã được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN-MT để theo dõi, giám sát.
Ngoài ra cũng đã có 17/17 doanh nghiệp có quy mô xả thải trên 1 ngàn m3/ngày (không bao gồm chủ đầu tư các KCN) đã thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải và truyền dữ liệu về Sở TN-MT phục vụ yêu cầu giám sát liên tục.
Chủ trương phát triển không đánh đổi
Không dừng lại ở đó, ngoài các trạm quan trắc tự động nước thải, không khí do các doanh nghiệp lắp đặt, hiện nay, UBND tỉnh cũng đã đầu tư lắp đặt 5 trạm quan trắc nước mặt tự động, 2 trạm quan trắc không khí tự động cố định và một trạm quan trắc không khí tự động di động.
Hệ thống kiểm tra nước trước khi xả
Về quan trắc khí thải, theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 64 cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc tự động khí thải. Đến nay, đã có 11 cơ sở lắp đặt quan trắc tự động khí thải với tổng số trạm quan trắc là 16 trạm, trong đó có 9 cơ sở đã truyền dữ liệu quan trắc tự động khí thải về Sở TN-MT.
Riêng lĩnh vực khai thác khoáng sản, nhất là khai thác đá, Đồng Nai cũng đã yêu cầu các chủ mỏ phải thực hiện lắp đặt camera để giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa bụi phát sinh ra môi trường.
Trước yêu cầu của tỉnh, đã có 26/32 mỏ khai thác đá thực hiện lắp đặt camera giám sát, trong đó có 11 mỏ đạt yêu cầu về các thông số của nhóm camera và đã thực hiện kết nối truyền dữ liệu về Trung tâm Công nghệ thông tin (Sở TN-MT).
Ngoài giám sát nước thải, khí thải,… thì Đồng Nai cũng liên tục quan trắc chất lượng môi trường nước mặt, đất, trầm tích, không khí tại hàng trăm vị trí. Đồng Nai cũng thực hiện quan trắc 14 vị trí nước mặt ngoài mạng lưới được phê duyệt, nhằm đánh giá chất lượng môi trường nước tại các khu vực giáp ranh với tỉnh Bình Thuận và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tiến hành 60 đợt quan trắc, thu mẫu chất lượng nước tại các thủy vực cấp đầu nguồn vào các vùng nuôi tôm và nơi đặt bè cá. Qua đó, cập nhật những biến động môi trường nước ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng, phát triển của thủy sản nuôi và tình hình dịch bệnh để khuyến cáo đến người dân.
Và trong năm 2020 Đồng Nai sẽ thực hiện quan trắc tại 4 khu vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đó là khu vực nuôi cá bè trên sông Cái (TP.Biên Hòa); khu vực nuôi cá bè H.Định Quán (gồm các xã La Ngà, Phú Ngọc, Thanh Sơn, Ngọc Định); khu vực ngập mặn huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch; khu vực nuôi thủy sản thâm canh các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú.
Về tần suất quan trắc, đối với khu vực nuôi cá bè trên sông Cái sẽ thực hiện 24 lần/năm; khu vực nuôi cá bè H.Định Quán 18 lần/năm; khu vực ngập mặn huyện Long Thành và H.Nhơn Trạch 24 lần/năm và khu vực ao nuôi thâm canh tại các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú 2 tháng/lần.
Nguồn nước phải xử lý hoàn thiện mới được thải ra môi trường
Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh chia sẻ với báo chí công tác quan trắc các thành phần môi trường luôn được Đồng Nai quan tâm và thực hiện kịp thời. Đồng Nai sẽ tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực quan trắc, nhất là quan trắc tự động liên tục để theo dõi chặt chẽ chất lượng môi trường.
Và quan điểm của Đồng Nai là phát triển nhưng không đánh đổi về chất lượng môi trường, ưu tiên những dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường và sử dụng ít lao động.
Để người dân an tâm về môi trường sống, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường công bố kết quả quan trắc chất lượng không khí công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở nhằm kịp thời cảnh báo cho người dân trong trường hợp xảy ra ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn tỉnh có hại cho sức khỏe con người. Đồng thời, cung cấp kết quả quan trắc chất lượng không khí cho cơ quan truyền thông để thông tin cho cộng đồng. Để kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải, UBND tỉnh cũng giao Sở Tài nguyên - môi trường và các đơn vị liên quan tăng cường quan trắc môi trường không khí,… |