Ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết, hiện nay, di dời Khu công nghiệp Biên Hòa I là vấn đề cấp bách, không thể trì hoãn thêm. Bởi hơn 1 triệu người dân Biên Hòa và hàng triệu dân các tỉnh Đồng Nam bộ phụ thuộc vào nước sông Đồng Nai nhưng do các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Biên Hòa I xả thải ra sông, khiến nguồn nước bị ô nhiễm.
Được biết, đề án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa I chậm trễ là do ngành chức năng của Đồng Nai mãi loay hoay, không đưa ra được thời điểm cụ thể đóng cửa khu công nghiệp này.
Từ đó thiếu cơ sở pháp lý, doanh nghiệp không chịu di dời, tỉnh vẫn không xử lý được. Để doanh nghiệp có sự chuẩn bị, sau buổi làm việc này, Đồng Nai sẽ thông báo cho các doanh nghiệp thời hạn cuối cùng mà họ phải chuyển đi.
Để đẩy nhanh di dời Khu công nghiệp Biên Hòa I, Đồng Nai sẽ chấm dứt cho thuê và thu hồi đất của những doanh nghiệp đã hết hạn thuê đất. Với doanh nghiệp còn thời hạn thuê đất, tỉnh đưa vào danh sách thực hiện bồi thường để họ sớm chuyển đi.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường, tỉnh Đồng Nai yêu cầu đến cuối năm 2022 sẽ đóng cửa Khu công nghiệp Biên Hòa I. Trước ngày 31/12/2022, tất cả doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động tại đây.
Theo đề án của Sonadezi, sẽ có 3 phương án bố trí, sắp xếp các vị trí đất ở, đất thương mại, dịch vụ, trung tâm hành chánh... tại KCN Biên Hòa 1 sau khi di dời các nhà máy.
Trong đó, phương án 1 có đất ở, đất ở kết hợp thương mại dịch vụ khoảng 114 ha (chiếm 29,7%), đất công cộng dịch vụ gần 99 ha, đất giao thông gần 62 ha, còn lại là đất dành cho cây xanh, du lịch, giáo dục.
Phương án 2, giảm đất ở kết hợp thương mại xuống còn 25%. Tăng đất công công dịch vụ, hành chánh từ 30% (phương án 1) lên 35%.
Ở phương án 3, giảm đất ở kết hợp với thương mại dịch vụ còn 22%, tăng đất công cộng dịch vụ, đất hành chánh, an ninh lên 37% diện tích đất toàn khu.
Một loạt các dự án hạ tầng kết nối như QL1, QL51, đường sắt trên cao Metro, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu… đã và đang được xây dựng tạo điều kiện để KCN Biên Hòa 1 có thể trở thành khu đô thị thương mại, dịch vụ, là trung tâm của TP. Biên Hòa nói riêng và tỉnh Ðồng Nai nói chung.
Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh Đồng Nai về việc di dời và chuyển đổi công năng, Sonadezi đã xây dựng đề án trên toàn bộ diện tích KCN Biên Hòa 1 hiện hữu là 324 ha. Số vốn dự kiến cho đề án chuyển đổi hơn 15.000 tỷ đồng, trong đó riêng vốn đền bù, giải phóng mặt bằng gần 7.500 tỷ đồng và chi phí xây dựng hạ tầng khoảng 2.000 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, Khu công nghiệp Biên Hòa I ra đời năm 1963, tổng diện tích 323ha. Mỗi ngày, các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây xả hơn 9.000m3 nước thải. Trong đó chỉ có khoảng 1.000m3 được đấu nối qua Khu công nghiệp Biên Hòa II để xử lý, phần còn lại các doanh nghiệp tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai. Năm 2009, trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương chuyển đổi công năng khu công nghiệp này.
Tại Khu công nghiệp Biên Hòa I hiện có khoảng 80 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 40 doanh nghiệp có hợp đồng thuê đất đến năm 2051.