Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết, dự kiến vào cuối tháng 8/2020, đơn vị sẽ trình thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi 2 dự án trọng điểm trên địa bàn TP. Biên Hòa gồm: Dự án Xây dựng đường ven sông Cái và dự án Đường trục trung tâm TP. Biên Hòa.
Đây là hai trong số 4 dự án giao thông trọng điểm được triển khai tại TP. Biên Hòa kể từ năm nay. Việc triển khai nhanh các dự án này được kì vọng mang lại mục tiêu kép cho TP. Biên Hòa, tức vừa giải quyết bài toán kẹt xe, vừa giúp thành phố này tạo ra sự đột phá về hệ thống hạ tầng, đáp ứng tiêu chuẩn của một đô thị loại I. Tuy nhiên, do các dự án đều có nguồn vốn lớn nên việc triển khai dự án cũng gặp nhiều khó khăn.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai từng cho biết, tỉnh sẽ cho đấu giá nhiều khu đất công lớn để có thêm vốn đầu tư các công trình trọng điểm. Nếu tính cả nguồn vốn đấu giá đất của năm 2020, Đồng Nai sẽ có gần 10.000 tỷ đồng.
Phối cảnh cầu Thống Nhất nằm trong dự án đường trục Trung tâm TP Biên Hòa. Ảnh: CTTĐT Đồng Nai
Mặt khác, tỉnh cũng cần có quỹ đất lớn để thực hiện tái định cư cho người dân khi làm dự án. Tính riêng 4 dự án kể trên, TP. Biên Hòa phải thực hiện bố trí tái định cư cho hơn 1.200 hộ dân.
Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, để TP. Biên Hòa thực hiện nhanh các khu tái định cư cho các dự án trọng điểm, tỉnh đã ưu tiên nguồn vốn lên đến 3.000-4.000 tỷ đồng. Hiện tại, TP. Biên Hòa đang triển khai xây dựng khoảng 11 khu tái định cư. Tuy nhiên, công tác thu hồi đất tại TP. Biên Hòa cũng như một số địa phương khác rất khó khăn, có những dự án phải mất 3-5 năm cho việc thu hồi đất.
Liên quan đến 2 dự án nói trên, trước đó, tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Đồng Nai đã thông qua chủ trương với tổng mức đầu tư thực hiện hơn 7.000 tỷ đồng. Nguồn vốn để thực hiện các dự án sẽ được lấy từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Cụ thể, dự án xây dựng đường ven sông Cái có tổng vốn đầu tư hơn 3.900 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng khoảng 527 tỷ đồng, bồi thường giải phóng mặt bằng là 3.247 tỷ đồng.
Dự án có tổng chiều dài gần 4.600m, điểm đầu giao với đường Hà Huy Giáp thuộc phường Quyết Thắng và điểm cuối giao với đường Trần Quốc Toản ở phường An Bình. Quy mô mặt cắt ngang của tuyến đường là 32m, trên trục đường này sẽ có 5 cầu gồm: Chìm Tàu, Tân Mai, Bà Bột, Rạch Gió, Suối Linh. Các cầu trên sẽ được xây dựng có bề rộng khoảng 22,7m.
Dự kiến sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2024, cần di chuyển khoảng 500 hộ dân.
Đối với dự án xây dựng đường trục trung tâm TP. Biên Hòa có tổng vốn đầu tư hơn 3.100 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng khoảng 1.985 tỷ đồng, bồi thường giải phóng mặt bằng 1.146 tỷ đồng.
Dự án có chiều dài gần 5.400m chia làm 2 nhánh. Nhánh 1 có điểm đầu giao với đường Võ Thị Sáu, điểm cuối giao với đường Đặng Văn Trơn, dài khoảng 3.588m. Nhánh 2 từ vòng xoay giao với nhánh 1 tại phường Hiệp Hòa, điểm cuối giao với đường Đặng Văn Trơn (tại nút giao đường đầu cầu Bửu Hòa), dài tuyến khoảng 1.770m. Dự kiến sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2024, cần di chuyển khoảng 131 hộ dân.