Trong bối cảnh Đông Nam Á đang phải căng mình chống đại dịch Covid-19, vốn khiến ít nhất 3 nền kinh tế rơi vào suy thoái, Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey tiếp tục thông báo một thông tin đáng quan ngại. Cụ thể, McKinsey cho rằng biến đổi khí hậu chính là thách thức nghiêm trọng nhất mà khu vực này phải đương đầu trong bối cảnh các quốc gia nỗ lực mở rộng nền kinh tế và là động lực tăng trưởng chính của thế giới.
Chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung phải đối mặt với những hiểm họa bao gồm lũ lụt, hạn hán, bão lớn, nhiệt độ thất thường và độ ẩm cao. Đại dịch Covid-19 đang hoành hành làm gia tăng những rủi ro với người dân cũng như cản trở khả năng phục hồi kinh tế.
"Khi cả thế giới dồn lực để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, điều quan trọng nhất là không đánh mất vai trò của việc giảm biến đổi khí hậu", Jonathan Woetzelm giám đốc tại McKinsey Global Institute, cho biết trong một tuyên bố.
Bên cạnh khu vực Đông Nam Á bị tác động nặng nề nhất, nghiên cứu cũng cảnh báo những ảnh hưởng tiềm tàng của thời tiết khắc nghiệt đối với các quốc gia như Bangladesh, Ấn Độ và Pakistan - khu vực mà họ gọi là "Biên giới châu Á".
"Chúng tôi ước tính rằng vào năm 2050, 500-700 triệu người ở khu vực này sẽ phải đương đầu với những đợt nắng nóng chết người. Chúng có xác suất xảy ra là 20% mỗi năm", báo cáo của McKinsey cho biết.
Ngoài ra, tình trạng ngập lụt ven biển cũng trở nền tồi tệ hơn do mực nước biển dâng cao. Đây là nguy cơ với toàn thế giới chứ không chỉ xảy ra ở khu vực nào. Các báo cáo ước tính hàng nghìn tỷ USD sẽ bị thiên tai cuốn trôi trong tương lai. Ngập lụt không chỉ làm hỏng cơ sở hạ tầng mà còn làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.
Theo báo cáo, vào năm 2050, 2,8 – 4,7 nghìn tỷ USD của GDP châu Á sẽ gặp rủi do thời tiết khắc nghiệt. Các nước châu Á có GDP/đầu người thấp chính là những nước gặp rủi ro lớn nhất. Cùng với đó, người nghèo cũng là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Người nghèo, vốn thường phải làm công việc ngoài trời, nên sẽ dễ bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hơn so với những người giàu. Cuộc sống của họ cũng sẽ khó khăn hơn vì không có phương tiện tài chính để hỗ trợ thích nghi với thời tiết khắc nghiệt.
Đặc biệt, báo cáo của McKinsey nêu bật những hiểm họa tiềm tàng mà các nước Đông Nam Á phải đối mặt. Cụ thể, gia tăng nhiệt độ và độ ẩm là rủi ro lớn và đe dọa 8-13% GDP hàng năm vào năm 2050. Riêng ở Indonesia, lượng mưa cực đoan có thể tăng gấp 3 hoặc 4 lần vào năm 2050 so với hiện nay.
Trong khi đó, hiện tượng ngập lụt sẽ trở nên phổ biến hơn tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam với hậu quả là những thiệt hại về cơ sở hạ tầng có thể lên tới 1 tỷ USD vào năm 2050. Khắc phục những hậu quả này có thể tốn từ 1,5 đến 8,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, Đông Nam Á cũng có một số lợi thế nhất định trong cuộc chiến này. Do cơ sở hạ tầng và các khu đô thị vẫn đang trong quá trình xây dựng nên Đông Nam Á có cơ hội tạo ra những công trình có khả năng chống chịu tốt hơn với biến đổi khí hậu khắc nghiệt và có thể chống chọi với các thiên tai nghiêm trọng. Ngoài ra, châu Á cũng có thể góp phần làm giảm lượng khí thải để ngăn biến đổi khí hậu.
"Nếu các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể khai thác tinh thần đổi mới, tài năng và sự linh hoạt của khu vực thì châu Á có thể dẫn đầu các nỗ lực toàn cầu chống lại rủi ro từ biến đổi khí hậu bằng cách thích ứng và giảm nhẹ những hậu quả tiềm ẩn nghiêm trọng nhất", báo cáo của McKinsey nhấn mạnh.
Mối quan ngại về tác động nặng nề của biến đổi khí hậu tới đúng thời điểm Đông Nam Á đang phải đương đầu với những thách thức lớn về kinh tế khi đại dịch Covid-19 gây tác động nên nhiều nền kinh tế. Mở đầu, nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào thương mại Singapore liên tiếp ghi nhận sụt giảm trong 2 quý liên tiếp, dẫn tới suy thoái về mặt kỹ thuật. Thậm chí, sụt giảm GDP qúy 2 còn nặng nề hơn so với dự đoán, vốn rất tồi tệ của các nhà kinh tế.
Sau đó, Philippines và Malaysia cũng chính thức rơi vào suy thoái do hậu quả từ việc đóng cửa nền kinh tế để ngăn chặn Covid-19 lây lan. Tuy nhiên, Philippines đã vượt Indonesia trở thành ổ dịch lớn nhất khu vực khi mở cửa trở lại quá sớm. Việc tái phong tỏa thủ đô Manila và các khu vực lân cận khiến nền kinh tế này đối diện nhiều bất ổn phía trước.
Malaysia cũng hứng chịu cú sụt giảm chưa từng có kể từ khủng hoảng tài chính châu Á 1998 vì Covid-19. Việc ngăn chặn khá thành công virus lây lan trong cộng đồng đã không thể giúp Malaysia khôi phục được kinh tế, vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại toàn cầu. Tình cảnh của Malaysia cho thấy một bài toán khó cho cả Đông Nam Á.
Tham khảo: CNBC