"Chúng ta đang chứng kiến sự bùng nổ của số ca nhiễm SXH ở Đông Nam Á. Đây chắc chắn sẽ là một năm tồi tệ" - bác sĩ Leong Hoe Nam, Bệnh viện Mount Elizabeth Novena (Singapore), khẳng định với đài CNBC.
Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore (NEA) tuần trước cho biết số ca nhiễm SXH năm nay tại Singapore nhiều khả năng vượt qua mốc kỷ lục 22.179 ca ghi nhận vào năm 2013. Tính đến ngày 6-7, theo NEA, đã có hơn 15.500 ca SXH được ghi nhận tại quốc gia này.
Nhân viên y tế phun thuốc diệt muỗi vằn tại tỉnh Đông Java - Indonesia nhằm ngăn chặn sốt xuất huyết. Ảnh: AP
Tháng trước, giới chức y tế Malaysia cảnh báo dịch SXH đang bùng phát mạnh mẽ trên khắp cả nước. Trong khi đó, tại Indonesia - quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á - giới chức y tế thông báo hồi cuối tháng 6 rằng tổng số ca nhiễm SXH toàn quốc đã đạt mốc 68.000 ca. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), rủi ro SXH ở phần lớn các nước Đông Nam Á - ngoại trừ Singapore - được đánh giá là "thường xuyên/liên tục" hiện hữu.
Dịch SXH xuất hiện giữa lúc thế giới đang tập trung đối phó đại dịch Covid-19, vốn gây tổn hại nặng nề đến kinh tế thế giới và buộc hàng triệu người ở nhà vì lệnh giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus. "Thật không may, SXH gặp được người bạn đời lý tưởng - lệnh phong tỏa. Với mệnh lệnh ở nhà vì dịch Covid-19, số người đối mặt với rủi ro từ muỗi gây SXH sinh sôi trong khu vực sẽ gia tăng" - ông Leong giải thích.
Trong số những quốc gia Đông Nam Á, theo thống kê của Trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ), Indonesia hiện là nơi có số ca mắc Covid-19 cao nhất với 70.736 ca, theo sau lần lượt là Philippines và Singapore với 51.754 và 45.423 ca.
Trong khi đó, theo CNN, giới chức Kazakhstan hôm 10-7 bác báo cáo của giới chức Trung Quốc nói rằng quốc gia này đang đối mặt với dịch "viêm phổi lạ" nguy hiểm hơn Covid-19. Trước đó một ngày, Đại sứ quán Trung Quốc ở Kazakhstan cảnh báo công dân sinh sống tại quốc gia Trung Á rằng bệnh viêm phổi lạ đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.700 người.