Trung Quốc dự kiến sẽ mở rộng thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số có chủ quyền vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2021. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, thiết kế nền tảng công nghệ của đồng tiền này cần phải tương thích với nền tảng công nghệ của các quốc gia khác nếu muốn đồng nhân dân tệ kỹ thuật số hiện hữu trong các giao dịch quốc tế.
Kế hoạch thử nghiệm tiền kỹ thuật số có chủ quyền của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh việc sử dụng đồng nhân dân tệ ngày càng trở nên cấp bách hơn khi mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đã làm dấy lên lo ngại rằng các tổ chức tài chính Trung Quốc có thể bị mất quyền truy cập vào hệ thống thanh toán bằng USD.
Jing Sima, chiến lược gia về Trung Quốc tại BCA Research cho biết: "Dưới sự đe dọa từ các lệnh trừng phạt của Mỹ, mục tiêu ngắn hạn là giảm thiểu sự gián đoạn đối với các hoạt động thương mại và đầu tư của Trung Quốc bằng cách thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ ra ngoài biên giới của nước này".
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) - cơ quan giám sát sự phát triển của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số chưa đưa ra bất kỳ thông báo gì về thời điểm ra mắt đồng tiền kỹ thuật số này ngoài việc nói rằng đồng tiền này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.
Theo Li Lihui, người đứng đầu nhóm nghiên cứu blockchain của Hiệp hội Tài chính Internet Quốc gia Trung Quốc cũng là cựu chủ tịch của Ngân hàng Trung Quốc, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đã được thử nghiệm trong phạm vi nhỏ (chẳng hạn như việc sử dụng trong bán lẻ) và có thể sẽ được đưa ra công chúng trên quy mô rộng hơn. "Các thử nghiệm về tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương có thể được mở rộng trong năm nay hoặc đầu năm sau, nhưng liệu nó có được giới thiệu trên khắp cả nước hay không thì vẫn cần phải xem xét."
Theo PBOC, các chương trình thử nghiệm của đồng tiền kỹ thuật số đang được triển khai tại bốn thành phố: Thâm Quyến, Thành Đô, Tô Châu, Tân khu Hùng An (Xiong’an) và một số khu vực được sử dụng để phục vụ Thế vận hội mùa đông 2022.
Cuối tuần qua, Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc cho biết họ đã hoàn tất quá trình thử nghiệm đồng tệ số trên hệ thống mobile banking, tuy nhiên, bất kỳ ví nhân dân tệ kỹ thuật số nào được mở trong giai đoạn thử nghiệm đều sẽ tự động bị hủy ngay sau đó.
Ảnh chụp màn hình do người dùng đăng tải vào tuần trước cho thấy ứng dụng mobile banking của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc đã cung cấp một tùy chọn mới để "tạo ví tiền tệ kỹ thuật số", cũng như các lựa chọn cho "thanh toán", "nhận", "quét" và "chuyển" tiền. Sau khi nhấn vào mục "quản lý ví", xuất hiện các tùy chọn để gửi tiền vào ví, chuyển khoản, chi tiết giao dịch, quà tặng bằng tiền (còn được gọi là bao lì xì), hoàn trả thẻ tín dụng, nâng cấp ví và hủy ví.
Yang Dong, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Tài chính và Blockchain thuộc Viện Luật và Công nghệ tại Đại học Renmin của Trung Quốc, cho biết PBOC có thể kết hợp với các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử được sử dụng rộng rãi, chẳng hạn như Alipay và WeChat Pay, để quảng bá cho đồng tệ số trong giai đoạn đầu, qua đó khiến công chúng dần chấp nhận sử dụng đồng tiền này trong thanh toán hàng ngày.
Giới phân tích nhận định, mong muốn giảm bớt sự lệ thuộc vào đồng đô la và quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc liên quan đến tham vọng tăng cường sự hiện diện của đồng nhân dân tệ như một loại tiền tệ để định giá hàng hóa và dự trữ quốc tế. Theo đó, nếu đồng tệ số được sử dụng trong các giao dịch xuyên biên giới, một nền tảng công nghệ phức tạp hơn phải được áp dụng để kết nối với các hệ thống giao dịch nước ngoài, bởi ngân hàng trung ương các nước đều có các kế hoạch và mục tiêu khác nhau cho các loại tiền kỹ thuật số có chủ quyền của riêng họ. Trong đó, nổi bật nhất là Ngân hàng Anh, Ngân hàng Pháp và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đều đang rục rịch lên kế hoạch nghiên cứu và cho ra mắt đồng tiền kỹ thuật số.
Sky Guo, người sáng lập công ty blockchain Cypherium cho biết: "Các đồng tiền kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương đang đạt được sự tín nhiệm trên khắp thế giới. Điều này có nghĩa là một trong những thách thức lớn nhất đối với việc áp dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số là nó phải tương thích với các loại tiền kỹ thuật số khác nhau. Sẽ cần có công nghệ mới để hỗ trợ thanh toán xuyên biên giới và thực hiện trao đổi".
Trước nhu cầu cấp thiết đó, ngay từ năm 2009 đến 2018, PBOC đã tạo ra 38 "đường dây hoán đổi", cung cấp biện pháp cuối cùng là cho vay bằng đồng nhân dân tệ cho các công ty nước ngoài. Trong đó, mỗi đường hoán đổi là một thỏa thuận giữa PBOC và một ngân hàng trung ương nước ngoài cho phép tổ chức nước ngoài vay nhân dân tệ khi cần thiết.
Trong một tài liệu đưa ra vào tháng 6 về "khởi đầu một loại tiền tệ quốc tế", Ngân hàng Trung ương Anh ước tính rằng việc ký kết một dòng hoán đổi với PBOC có thể tăng khoảng 20% xác suất một quốc gia sẽ sử dụng đồng nhân dân tệ để thanh toán trong những tháng tiếp theo.
Tuy nhiên, cùng với số lượng các dòng hoán đổi nhân dân tệ mới, quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ đã chững lại trong những năm gần đây. Li Lihui nói: "Sẽ không dễ dàng để đồng nhân dân tệ kỹ thuật số gia nhập thị trường quốc tế và cho đến nay nó vẫn chưa được sử dụng trong các giao dịch tài sản tài chính hoặc đầu tư xuyên biên giới".
Tham khảo: South China Morning Post