Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 lên tới 5.000 tỷ đồng (225 triệu USD) trên nền diện tích 65ha ở hai xã là Phù Đổng và Trung Mầu (Gia Lâm). Dự án dùng nguồn nước mặt của sống Đuống. Về quy mô dự án, đến năm 2019 đạt công suất 300.000 m3/ngày đêm.
Nhà máy nước mặt sông Đuống đã làm được hơn 81km đường ống dẫn nước với đầy đủ các loại công nghệ như đánh chìm ống qua 2 con sông là sông Đuống và sông Hồng. Được biết, ngày 5/9 tới đây, giai đoạn 1 của dự án sẽ chính thức được khánh thành và cấp nước cho Tp.Hà Nội.
Tiếp nối giai đoạn này, Dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống sẽ phát triển và mở rộng liên tục đến năm 2023 đạt 600.000 m3/ngày đêm, đến năm 2030 đạt 900.000 m3/ngày đêm, và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm.
Đắt đỏ vì dùng công nghệ châu Âu
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nước mặt Sông Đuống đồng thời là vị cá mập (shark) mới của chương trình Shark tank Việt Nam, khẳng định Nhà máy nước mặt sông Đuống với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng là dự án dân sinh lớn nhất cả nước hiện nay.
"Chúng tôi may mắn được sự đồng thuận, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố cùng sự ủng hộ của những hộ dân trên địa bàn hai huyện mà dự án triển khai. Nhờ vậy, công tác giải phóng mặt bằng hoàn thành trong 3 tháng.
Giai đoạn 1A của dự án cũng hoàn thành chỉ sau 18 tháng với công suất 150.000 m3 nước/ngày đêm, đây là mức thời gian thực hiện nhanh kỷ lục của một dự án an sinh xã hội. Giai đoạn 1B của dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2019, về đích trước so với đự kiến, nâng công suất lên mức 300.000 m3/ngày đêm", bà Liên cho hay.
Toàn cảnh nhà máy nước mặt sông Đuống 5.000 tỷ đồng
Về bức tranh cấp nước sạch của Hà Nội hiện nay, ông Đỗ Văn Định, Giám đốc quản lý dự án cho biết, hiện tại, các nhà máy cung cấp nước sinh hoạt Việt Nam có 2 loại, cung cấp từ nước ngầm và cung cấp từ nước mặt, trong đó, xử lý từ nước ngầm chiếm đến 70%.
Để có được chất lượng nước uống tại vòi, Shark Liên cho biết tổng mức đầu tư giai đoạn 1 lên tới 5.000 tỷ đồng vì dùng dây chuyền công nghệ xử lý nước tiên tiến trên thế giới với công nghệ từ châu Âu. Quy trình xử lý khép kín hạn chế thất thoát nước và không có nước xả thải ra môi trường.
"Đây là công nghệ mới nhất của thế giới, cho tiêu chuẩn nước châu Âu uống trực tiếp tại vòi. Bộ phận quan trọng của một nhà máy nước là đường ống, với nhà máy nước mặt sông Đuống thì đường ống được mua từ nhiều nguồn gồm Việt Nam, Thái Lan và có cả của Trung Quốc. Mỗi địa hình, vùng đất sẽ quyết định dùng ống nhựa hay ống gang. Đây là hạng mục ngốn vốn nhất chiếm tới 60% vốn huy động", bà Liên khẳng định khi xảy ra sự cố đường ống, thì nhà máy nước có đủ lượng nước trong 6 ngày để vận hành.
Ông Đỗ Văn Định thì khẳng định nhờ công nghệ châu Âu trong việc xử lý nước mặt sông Đuống, nhà máy quy mô lớn nhưng chỉ cần 20 lao động, thay vì 500 lao động như các nhà máy khác.
Nói rằng nước đạt chất lượng châu Âu, có thể uống tại vòi nhưng theo ông Định hiện nay chưa có một tổ chức nào chứng nhận chất lượng nước của nhà máy.
"Chất lượng nước sau xử lý đạt Quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống do Bộ Y tế ban hành. Trong quy chuẩn này có 109 chỉ tiêu dựa vào nhiều phương pháp xét nghiệm của châu Âu, hay Hiệp hội AWA của Mỹ. Nước của nhà máy sông Đuống đã đáp ứng hết các tiêu chí của quy chuẩn này.
Hiện nay chưa có tổ chức nào công nhận cả nhưng các chỉ tiêu hoàn toàn tương đương. Ở châu Âu, châu Mỹ đi du lịch có thể thấy người dân có thể uống nước ở vòi bếp để uống", ông Định cho hay.
Bà Liên khẳng định hàng ngày nhân viên của nhà máy sẽ lấy mẫu, tự thí nghiệm và so sánh các chỉ tiêu này. Nếu nước không chuẩn thì không thể được Hà Nội chấp thuận.
Giá nước cao nhưng "vẫn đang gồng lỗ"
Tổng mức đầu tư dự án 5.000 tỷ đồng là con số rất lớn cho một dự án dân sinh, giá cả bán ra lại bị "thắt nút cổ chai" không thuộc thẩm quyền quản lý của tư nhân. Ở đây, giá bán phụ thuộc vào quyết định của UBND Tp. Hà Nội. Cụ thể, khi phê duyệt dự án, Hà Nội đã có quyết định giá tạm tính là 10.264 đồng/m3 nước cho nhà máy.
Mức giá tạm tính này được cho là đang gấp đôi so với giá của một số nhà máy nước hiện nay của Hà Nội. Điều này khiến không ít dư luận, người dân băn khoăn. Đặc biệt một số đơn vị còn cảnh báo, nếu mua giá nước cao vậy sẽ khiến các nhà nước hao tổn ngân sách vì trợ giá nước cho người dân Hà Nội.
Bà Liên cho biết, vốn đầu tư nhà máy nước một phần là vốn tự có, còn phần còn lại thì vay ưu đãi của nước ngoài, ngoài ra vay của các ngân hàng. Tỷ lệ vốn vay trên tổng mức đầu tư khoảng 60%.
Nữ doanh nhân chia sẻ, sau khi đi vào vận hành toàn bộ giai đoạn 1 vào đầu tháng 9 tới, giá tạm tính nước sinh hoạt của nhà máy là 10.246 đồng/m3 nhưng đây vẫn chưa phải con số cuối cùng. Hiện tại nhà máy đang cung cấp nước với giá 7.700 đồng/m3 nước cho giai đoạn 1A.
"Đấy là giá tạm tính của Tp.Hà Nội. Khi Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán sẽ định ra một mức giá hợp lý cuối cùng. Với mức đầu tư như vậy thì giá nước phải đi cùng với giá đầu tư. Điều đáng nói, chúng tôi đang bị so sánh với giá nước ngầm. Điều này là bất công. Thực sự với giá nước này doanh nghiệp còn đăng rất trăn trở, phải gồng mình vì vẫn phải đi vay lớn. Thậm chí chúng tôi vẫn đang lỗ với mức giá tạm tính 7.700 đồng. Nhưng chúng tôi vẫn đang chịu đựng được", shark Liên nói.