Đồng rúp đã tăng mạnh so với đồng USD sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga bắt đầu bán khí đốt cho các quốc gia "không thân thiện" bằng đồng rúp.
Đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, đồng rúp đã tăng 6% lên mức 97,7 rúp đổi 1 USD tại Moscow sau khi chạm mức 94,9 rúp đổi 1 USD, mức mạnh nhất kể từ ngày 2/3. Trên nền tảng EBS, đồng rúp cũng tăng 8,8% ở mức 96,5 rúp đổi 1 USD. Cả hai mức giá đóng cửa này đều ở mức mạnh nhất kể từ tháng 2.
Mặc dù, đồng rúp so với đồng USD đã giảm xuống dưới 100 rúp đổi 1 USD, song vẫn giảm hơn 22% trong năm nay do Nga phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt trên toàn cầu do cuộc xung đột tại Ukraine.
So với đồng euro, đồng rúp tại Moscow hôm qua cũng tăng 6% ở mức 108 rúp đổi 1 euro.
Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng mạnh sau tuyên bố sốc của ông Putin bởi lo ngại động thái này sẽ làm cuộc khủng hoảng năng lượng trong khu vực trầm trọng hơn.
"Đây có vẻ như là nỗ lực của chính quyền Nga nhằm gây áp lực lên các nước phương Tây buộc người nước ngoài muốn mua khí đốt của Nga sẽ phải thanh toán bằng đồng rúp", Liam Peach, nhà kinh tế về châu Âu tại Capital Economics, cho biết.
Giao dịch trái phiếu OFZ của Nga cũng đã hồi phục trở lại trong tuần này. Ngân hàng Trung ương Nga thông báo một số giao dịch trên thị trường chứng khoán Nga sẽ khởi động trở lại kể từ hôm nay (24/3) sau 1 tháng gián đoạn. Trước đó, 33 chứng khoán trong chỉ số IMOEX giao dịch trên sàn chứng khoán Moscow đã bị hạn chế thời gian giao dịch và cấm bán khống.
Cho đến nay, Ngân hàng Trung ương Nga vẫn chưa tiết lộ quy mô của các biện pháp can thiệp vào thị trường OFZ mà ngân hàng này đã áp dụng để ổn định giá cả và cung cấp thêm thanh khoản cho thị trường tài chính.
Nga dường như cũng đã ngăn chặn được tình trạng vỡ nợ trái phiếu nước ngoài sau khi thực hiện thanh toán lãi suất bằng đồng USD cho một trái phiếu đến hạn vào năm 2029. Một trái chủ cho biết họ đã nhận được khoản thanh toán.
Tuy nhiên, Trung tâm Lưu ký Quốc gia Nga (NSD) và các nhà phân tích cho rằng, các trái chủ của các trái phiếu châu Âu (Eurobond) do Nga phát hành có thể đối mặt với việc nhận các khoản thanh toán qua các đại lý quốc tế chậm hơn do các lệnh trừng phạt.
(Theo Dân trí)